1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vẫn nhức nhối chất thải y tế!

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa hoàn thành xong bản báo cáo về tình hình thực hiện quản lý chất thải y tế để gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó có tới 60% bệnh viện còn xử lý chất thải rắn bằng lò đốt thủ công hoặc chôn lấp và trên 62% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng tại các bệnh viện.

30% bệnh viện tự chôn lấp chất thải y tế nguy hại

 

Tính đến nay, cả nước hiện có 1.087 bệnh viện với tổng số hơn 140.000 giường bệnh. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế năm 2005 vào khoảng 300 tấn/ngày, trong đó có 40 - 50 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại phải xử lý. Ước tính đến năm 2010, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh là hơn 500 tấn/ngày, trong đó có khoảng 60 - 70 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại phải xử lý.

 

Đối với 35 bệnh viện trực thuộc bộ Y tế, hầu hết đều đã áp dụng các công nghệ thiêu đốt chất thải tập trung, lò đốt cho cụm bệnh viện hay tại chỗ; Chỉ còn một bệnh viện (Bệnh viện Tâm thần TƯ 1) hiện nay chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn, áp dụng phương pháp thiêu đốt ngoài trời và chôn lấp. Tuy nhiên, lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh rất thấp (chỉ khoảng 30 kg/ngày) do tính đặc thù của bệnh viện, ít thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.

 

Trong khi đó, đa số các bệnh viện tuyến huyện các tỉnh miền núi, vùng đồng bằng đều chưa có cơ sở hạ tầng để xử lý thải y tế nguy hại, vì vậy người ta chủ yếu tự thiêu đốt bằng các lò đốt thủ công hoặc chôn lấp trong khu đất của bệnh viện.

Hiện nay, cả nước mới có 80 lò đốt hai buồng đạt tiêu chuẩn môi trường, với công suất từ 300 - 450kg/ngày.

 

Thậm chí, theo ước tính các lò đốt hiện đại, đạt tiêu chuẩn môi trường mới  đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của các bệnh viện, khoảng 30% bệnh viện sử  dụng lò đốt thủ công và 30% bệnh viện tự chôn lấp chất thải y tế nguy hại trong khu đất của bệnh viện.

 

Trong việc quản lý chất thải rắn, các bệnh viện còn để xảy ra hiện tượng phân loại nhầm chất thải, một số loại chất thải thông thường được đưa vào chất thải y tế nguy hại gây tốn kém trong việc xử lý. Khi vận chuyển chất thải, chỉ có 53,0% số bệnh viện chất thải được vận chuyển trong xe có nắp đậy; 53,4% bệnh viện nơi lưu giữ chất thải có mái che... đây là những yếu tố để đảm bảo an toàn cho người bệnh và môi trường.

 

Về chất thải lỏng bệnh viện, qua số liệu thống kê, có tới 62,3% số bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải. Không những vậy, hệ thống xử lý nước thải của nhiều bệnh viện được thiết kế đã lâu, trên 30 năm, nay đã xuống cấp, công nghệ xử lý chưa đảm bảo được tiêu chuẩn môi trường, lượng bệnh nhân và giường bệnh gia tăng gây tình trạng quá tải ảnh hưởng đến chất lượng xử lý. Kinh phí vận hành hệ thống xử lý nước thải bệnh viện cũng khá lớn so với ngân sách được cấp.

 

Sẽ có hướng dẫn cho phép tái chế chất thải thông thường

 

Qua thực tế kiểm tra, bộ Y tế đã chỉ ra 6 bất cập đang tồn tại tại các bệnh viện trong vấn đề quản lý chất thải đó là:

- Việc phân loại chất thải rắn y tế còn chưa đúng quy định

- Phương tiện thu gom như túi, thùng đựng chất thải còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn

- Xử lý và tiêu huỷ chất thải gặp nhiều khó khăn

- Thiếu các cơ sở tái chế chất thải

- Thiếu nguồn kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải bệnh viện

- Vấn đề quản lý chất thải y tế thông thường có thể tái chế còn bất cập.

 

Riêng vấn đề quản lý chất thải y tế thông thường, thời gian qua, một số bệnh viện lơi lỏng công tác quản lý giám sát để nhân viên hợp đồng cung cấp rác thải y tế cho các cơ sở tái chế tư  nhân chưa qua xử lý. Ngay sau khi được các cơ quan chức năng phát hiện, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo và tiến hành kiểm tra kịp thời, các bệnh viện đa chấn chỉnh các quy định và nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân có vi phạm.

 

Tuy nhiên, một vấn đề xã hội cũng có liên quan đến việc quản lý chất thải bệnh viện hiện nay là có nhiều người sống bằng nghề thu lượm các loại chất thải có khả năng tái chế để bán cho cơ sở thu mua và tái chế chất thải. Với xu thế phát triển hiện nay, nhiều vật dụng dùng một lần trong y tế được sử dụng với số lượng, chủng loại ngày càng tăng. Các vật liệu dùng một lần, đặc biệt là chất nhựa là mặt hàng rất hấp dẫn đối với những người thu gom chất thải vì các chất nhựa này là những loại nhựa tốt, có giá trị cao khi tái sinh, tái chế. Việc quản lý chất thải bệnh viện nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ sẽ có hiện tượng thất thoát.

 

Vì vậy, tới đây Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cho phép tái chế và tái sử dụng một số chất thải y tế thông thường, theo đó các bệnh viện phải đưa vào quy trình kiểm soát các vật liệu có thể tái chế nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phải xử lý và tiết kiệm nguyên liệu.

 

Lan Hương