Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội:

Vẫn chưa kiểm soát nổi cơ sở kinh doanh ngoài vỉa hè

(Dân trí) - Tối qua (16/8), đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại địa bàn phường Hàng Bồ. Đa số các cơ sở kinh doanh đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu vệ sinh, tuy vậy vẫn có một số chủ hàng ăn ý thức tự giác chưa cao.

Chiến dịch kiểm tra lần này là tập trung vào các cơ sở kinh doanh ăn uống có cửa hàng với hình thức lựa chọn ngẫu nhiên. Địa điểm đầu tiên đoàn đến là cửa hàng cơm ở 55 Hàng Gà, chủ cửa hàng là bà Nguyễn Thanh Minh. Lúc đó khoảng 7 giờ tối, cửa hàng rất đông khách. Kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng thực phẩm đối với dấm và ớt dùng phẩm màu tự nhiên (đạt). Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra 10 chiếc bát đã rửa sạch bất kỳ thì có tới 3 bát bẩn. Thùng rác đựng đồ bẩn thì không có nắp, chỗ rửa bát đũa cũng chưa được tốt lắm. Giấy khám sức khỏe của nhân viên lại không có đủ. 

 

Nơi đến tiếp theo của đoàn là cửa hàng bánh cuốn tại 14 Hàng Gà, chủ cửa hàng là bà Trần Thanh Vân. Đây là một trong những nơi có chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tốt nhất.

 

Vẫn chưa kiểm soát nổi cơ sở kinh doanh ngoài vỉa hè - 1

Dù là hàng ăn được đánh giá "vệ sinh nhất" nhưng hàng bánh cuốn của bà Vân vẫn chưa sử dụng tủ kính để bày thức ăn.

Trong khi nhiều người đang lo ngại về thực phẩm cho hàn the, như trong giò chả, bánh cuốn thì ở đây, kết quả kiểm tra cho thấy, tất cả đều không sử dụng chất này. Bát đũa đảm bảo 100% sạch, chỗ rửa bát cũng được ốp gạch men để đảm bảo vệ sinh. Cửa hàng cũng tuân thủ treo bảng cam kết về VSATTP, đi găng tay để bán hàng, khám sức khoẻ… 

 

Hai địa điểm mà đoàn đến nữa đều là hàng phở, một là 50C Hàng Vải, và một ở 48 Hàng Đồng. Cả hai đều đảm bảo về không sử dụng phụ gia phẩm màu đã bị cấm trong ớt, dấm bảo đảm, bát sạch… và quan trọng là chứng minh rõ nguồn gốc thực phẩm như thịt bò mua ở cửa hàng nào, bánh phở mua ở chỗ nào…

 

Theo cán bộ trưởng trạm y tế phường Hàng Bồ, có 30/41 cơ sở đang kinh doanh ăn uống trên địa bàn là trong nhà, số còn lại kinh doanh ở vỉa hè. Trong 30 cơ sở này có 73% đạt tiêu chí, 27% là chưa đạt. Về hình thức xử lý, cán bộ này cho biết, nếu phạt bằng tiền nhiều khi người phạt cảm thấy khó chịu mà vẫn không chịu thay đổi. Cách hiệu quả nhất là nếu cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn về chất lượng VSATTP thì sẽ đưa lên loa đài của phường và nói nhiều lần.   

 

Có thể nói, sau đợt kiểm tra lần này, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh ăn uống trong nhà có tiến bộ đáng kể về ý thức thực hiện VSATTP của các chủ cửa hàng, mặc dù vẫn còn có một số nơi, ở một số điểm nào đó vẫn chưa bảo đảm an toàn thực phẩm.  

 

Song điều đáng lo ngại, đó chính là các cơ sở kinh doanh ngoài vỉa hè, một nơi có nguy cơ ô nhiễm bẩn cao cũng như công tác VSATTP sẽ rất khó bảo đảm. Việc này rất cần sự giám sát và kiểm tra thường xuyên, đồng thời là những chế tài nghiêm khắc đối với các cơ sở kinh doanh vì sức khoẻ của cộng đồng.

 

Vẫn chưa kiểm soát nổi cơ sở kinh doanh ngoài vỉa hè - 2

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Lê Anh Tuấn (áo tối màu, đứng thứ 2 từ trái sang) đang kiểm tra chất lượng ATVSTP ở hàng phở số 48 Hàng Đồng.

Đợt thanh kiểm tra thức ăn đường phố lần này được thực hiện tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, kéo dài từ 1/8 đến 10/9. Sau chiến dịch ra quân đợt đầu, báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đồng thời là phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo VSATTP đường phố.

 

Xin ông cho biết kết quả sau đợt đầu ra quân?

 

Trong 10 ngày đầu, đã có 2068 cơ sở thức ăn đường phố được kiểm tra. Trong đó có 1812 cơ sở đạt yêu cầu, đạt tỷ lệ 87,62%. Nhìn chung các cơ sở thức ăn đường phố có chuyển biến tốt trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về VSATTP.

 

Đối với các cơ sở vi phạm (bao gồm 256 cơ sở), đoàn đã áp dụng các hình thức xử lý như sau: Phê bình nhắc nhở 92 cơ sở; Cảnh cáo 2; Phạt tiền 162 cơ sở với số tiền phạt 13.670.000 đồng.

 

Quá trình kiểm tra có gì đáng chú ý, thưa ông?

 

Đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định VSATTP đường phố của một số chủ cơ sở,  người tiêu dùng chưa cao. Bên cạnh đó, sự duy trì hoạt động của các đoàn thanh kiểm tra liên ngành cấp cơ sở chưa thường xuyên liên tục.

 

Như vậy, chúng ta phải làm gì để các hộ kinh doanh thực hiện đúng và đầy đủ những yêu cầu về VSATTP?

 

Chúng ta cần huy động lực lượng liên ngành trong việc thường xuyên thanh kiểm tra VSATTP thức ăn đường phố. Có kế hoạch tuyên truyền giáo dục phổ biến kiến thức về VSATTP cho các đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố và người tiêu dùng. Thực hiện cam kết giữa cơ sở với chính quyền địa phương về việc thực hiện các quy định của nhà nước về VSATTP thức ăn đường phố cho các đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố và người tiêu dùng. Đồng thời xử lý kịp thời các vi phạm.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Lan Hương