Vắc xin phòng ung thư có giúp miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh?
(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là một trong những loại bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam. Theo đó, mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 phụ nữ phát hiện bệnh và hơn một nửa số đó tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 90% trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV (Human Papilloma virus). Có nhiều type HPV, trong đó HPV 16 và HPV 18 có khả năng gây ung thư cao nhất, chiếm đến 70% các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung được ghi nhận.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Công Định, Phó Giám đốc Cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, HPV có khả năng lây truyền rất mạnh mẽ. Con đường lây truyền chủ yếu là qua đường tình dục hoặc dùng chung đồ tắm, quần áo lót.
Việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục có thể giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HPV, nhưng không đồng nghĩa với việc loại trừ 100% nguy cơ.
“Bao cao su chỉ che được một phần bộ phận sinh dục của nam giới, HPV hoàn toàn có thể lây từ người nam sang người nữ ở những tổ chức không được bao cao su che phủ”, BS Định phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, tiêm phòng ung thư cổ tử cung (tiêm vắc xin HPV) giúp giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vắc xin không đảm bảo rằng, người phụ nữ sẽ miễn nhiễm hoàn toàn với căn bệnh này. Có 2 lý do để giải thích cho điều này.
Thứ nhất, HPV là nguyên nhân của 90% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. 10% các trường hợp còn lại có thể mắc bệnh do nhiều căn nguyên khác như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không lành mạnh, có nhiều bạn tình, vệ sinh không đúng cách…
Thứ hai, có tất cả 100 type HPV. Trong khi đó, vắc xin chỉ có thể phòng ngừa 4 type phổ biến nhất của HPV, và vẫn còn những type khác có thể gây ung thư.
“Chính vì vậy, với những phụ nữ có lối sống tình dục lành mạnh sử dụng biện pháp an toàn và đã tiêm phòng ung thư cổ tử cung, chúng tôi vẫn khuyến cáo nên định kỳ tầm soát ung thư cổ tử cung”, BS Định nhấn mạnh.
Những nguyên tắc phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả, theo BS Định, chị em phụ nữ cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Với phụ nữ trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, nên tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung.
- Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên và đã có quan hệ tình dục nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 3 năm/lần và kết thúc ở tuổi 65. Bên cạnh đó, chị em cũng nên khám phụ khoa định kỳ.
- Trong lối sống tình dục, nên hạn chế bạn tình, sinh hoạt tình dục lành mạnh và có sử dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung
Có bất cứ 1 trong 10 biểu hiện nào dưới đây, chị em cần đi khám sớm nhất có thể:
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
- Đau tức vùng bụng dưới.
- Tiểu nhiều, khó chịu khi đi tiểu.
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.
- Kinh nguyệt kéo dài, không đều.
- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân.
- Đau chân không rõ nguyên nhân.
- Liên tục mệt mỏi.