Vắc xin điều trị ung thư tiền tỷ: Chỉ là quảng cáo?

(Dân trí) - Theo TS BS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM về vắc xin trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu nhiều năm nay nhưng nó vẫn chỉ là nghiên cứu chưa ứng dụng lâm sàng.

53347684_2208521369207664_5547043794286804992_n.jpg

 

"Đánh tan" ung thư bằng tiền tỉ 

Một văn phòng tư vấn gói khám chữa bệnh nước ngoài ở Hà Nội đã tư vấn cho nhiều người bệnh ung thư có thể điều trị ung thư bằng vắc xin tự thân - vắc xin  được sản xuất từ chính khối ung thư của người bệnh  (trừ ung thư máu và ung thư tim).

Theo đó, sau khi phẫu thuật lấy khối u ra, một phần của khối u này sẽ được chuyển sang Nhật Bản để tạo ra vắc xin và người bệnh sẽ sang Nhật Bản để tiêm vắc xin này.

Người bệnh sẽ cần tiêm 3 lần với chi phí khác nhau cho từng giai đoạn bệnh. Trung bình, một liệu trình tiêm vắc xin chưa kể chi phí đi lại, ăn ở, thuê phiên dịch sẽ là từ 500 triệu đến 3,5 tỷ đồng, tuỳ người bệnh đang ở giai đoạn ung thư nào.

Ví dụ giai đoạn 1 là 500 triệu đồng, giai đoạn 2 là 700 triệu đồng, giai đoạn 3 là 900 triệu đồng, giai đoạn 4 là 1,5 tỷ đồng. Chi phí này chưa bao gồm ăn ở, đi lại…

Với mức phí tiền tỉ này, người tư vấn cũng cho rằng việc trị liệu này có thể giúp người bệnh “đánh tan” ung thư với hứa hẹn cơ hội điều trị khỏi 80% với người chưa tái phát và ung thư tái phát khoảng khỏi 40%.

Từ nghiên cứu đến thực tế: dễ bị nhầm lẫn hiệu quả vắc xin

Theo TS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM, vắc xin trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Vắc xin này có 2 loại là vắc xin dự phòng và vắc xin điều trị. Vắc xin dự phòng đã được cấp phép gồm vắc xin viêm gan B trong phòng ngừa ung thư gan và vắc xin HPV trong ngừa ung thư cổ tử cung.

Còn vắc xin trong điều trị, dù có nhiều hứa hẹn nhưng đến hiện nay chỉ có duy nhất một sản phẩm được cấp phép trên toàn thế giới dùng cho ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng cắt tinh hoàn / Castration –Resistant Prostate Cancer  với chi phí cho điều trị là 100.000USD/năm.

Việc sử dụng vắc xin phòng ngừa ung thư tái phát vẫn chưa được chứng minh và còn đang tiếp tục nghiên cứu trong khi đó một số loại thuốc hóa trị, nhắm trúng đích…đã được chứng minh hiệu quả cho một số loại ung thư và đã được đưa vào các hướng dẫn điều trị quốc tế (NCCN, ESMO…)      

Hơn nữa, theo TS Dũng, một khi bệnh ung thư đã phát thì vắc xin điều trị khó hơn rất nhiều. Lý do chính là các tế bào ung thư có cách che giấu hay lẩn tránh, thoát khỏi hệ miễn dịch của cơ thể.

Các nghiên cứu vắc xin điều trị ung thư nhắm vào việc kích thích hệ miễn dịch bằng kháng nguyên ung thư đặc hiệu hay phân tách các tế bào miễn dịch của cơ thể, huấn luyện chúng cách nhận biết các tế bào ung thư rồi đưa trở lại cơ thể. Các tế bào miễn dịch đã được huấn luyện này sẽ điều hòa, tăng đáp ứng hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư.

Đã có nhiều nghiên cứu về các vắc xin điều trị ung thư với những đặc điểm sau:

- Thực hiện ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa, di căn, tái phát sau khi đã điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn.

- Phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu: tiền lâm sàng (xác định thật rõ các đặc tính lý, hóa, sinh học trong phòng thí nghiệm, trên động vật) và trên lâm sàng (nghiên cứu trên con người). Các nghiên cứu lâm sàng được chia làm 3 giai đoạn (gọi là 3 pha): 1. Xác định tính an toàn và độc tính. 2. Xác định đáp ứng (bướu có giảm bớt hay không). 3. Xác định hiệu quả (trị khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống hay cải thiện chất lượng sống). Lưu ý là bướu giảm bớt kích thước không đồng nghĩa khỏi bệnh lâu dài.

- Chỉ có những vắc xin vượt qua được cả 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng mới được cấp phép sử dụng và đưa vào các phác đồ hay hướng dẫn điều trị.

Nhiều vắc xin điều trị ung thư đang được nghiên cứu ở pha 1 hay pha 2. Cũng có vài vắc xin đang được nghiên cứu ở pha 3. Tuy nhiên, như đã nêu trên, hiện chỉ duy nhất 1 vắc xin điều trị ung thư vượt qua pha 3 và được cấp phép sử dụng. Ngược lại nhiều sản phẩm lúc đầu thấy rất hứa hẹn ở pha 1 và 2 (an toàn và bướu giảm kích thước tốt) nhưng không chứng tỏ được hiệu quả tốt hơn ở pha 3 (không trị khỏi bệnh) so với các liệu pháp điều trị tiêu chuẩn nên chưa được cấp phép.

Như vậy, dù là một liệu pháp hứa hẹn nhưng tại thời điểm vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời về vắc xin trong ung thư.

TS Dũng khuyên người bệnh và người nhà phải thật tỉnh táo dựa trên các chứng cứ khoa học, tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị, giữa đáp ứng và trị khỏi, giữa còn đang nghiên cứu hay đã có kết luận và cấp phép như đã nêu trên.

Phương Linh