1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Uống trà hoặc cà phê nóng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản

(Dân trí) - Uống trà hoặc cà phê nóng có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển ung thư, nghiên cứu cảnh báo.

Những người thường xuyên uống trà nóng 60°C hoặc cao hơn tăng 90% nguy cơ mắc ung thư thực quản, mặc dù nguy cơ chung vẫn nhỏ.

Nhưng để một tách trà mới đun sôi nguội bớt trong vài phút trước khi uống nó có thể giúp ích.

Nghiên cứu của Đại học Y khoa Tehran ở Iran, đã bổ sung cho một loạt các nghiên cứu liên hệ đồ uống nóng với căn bệnh này.

Nhưng đây là lần đầu tiên mối liên quan được tìm thấy trong một nghiên cứu quy mô lớn theo dõi mọi người trong một thời gian dài.

Các nhà khoa học tin rằng nước nóng gây kích ứng niêm mạc miệng và họng có thể gây ra khối u.

Ung thư thực quản là bệnh ung thư phổ biến thứ tám trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.

uong cafe.jpg

Uống 700ml trà nóng 60°C hoặc hơn mỗi ngày có "liên quan nhất quán" với tăng 90% nguy cơ mắc bệnh, so với những người trà nguội hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện với trà cũng đúng với các loại đồ uống nóng khác, bao gồm cà phê hoặc sô cô la nóng.

Được công bố trên tạp chí International Journal of Cancer, nghiên cứu đã xem xét thói quen uống của 50.045 người trong độ tuổi từ 40 đến 75 sống ở vùng đông bắc Iran.

Trong thời gian theo dõi từ năm 2004 đến 2017, đã xác định được 317 trường hợp ung thư thực quản mới.

Nguy cơ ung thư thực quản tăng 2,4 lần ở những người thường xuyên uống trà nóng 75°C.

Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi TS. Farhad Islami, cho biết kết quả củng cố đáng kể” bằng chứng hiện có giữa đồ uống nóng và ung thư thực quản.

Một số cơ chế có thể giải thích lý do đồ uống nóng dẫn đến ung thư thực quản.

Nhiệt có thể làm tổn thương vùng họng dẫn đến viêm, hủy hoại ADN và thúc đẩy sản sinh các chất gây ung thư.

Nó cũng có thể làm giảm khả năng hoạt động như một rào cản đối với các độc tố có hại từ rượu và hút thuốc lá.

Ung thư thực quản chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 60 và 70 và phổ biến ở nam hơn nữ.

Các triệu chứng có thể bao gồm khó nuốt, khó tiêu hoặc ợ nóng kéo dài, nôn ngay sau khi ăn, mất cảm giác ngon miệng và giảm cân.

Các nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên chờ đồ uống nguội đến dưới 60°C trước khi uống.

Nhiệt độ này nằm dưới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là dưới 65°C.

Năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại đồ uống rất nóng trên 65°C là tác nhân có thể gây ung thư.

Ở Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Mỹ người dân thường uống trà rất nóng - ở khoảng 70°C (158 ° F).

Nghiên cứu trước đây đã gợi ý nên đợi ít nhất 4 phút trước khi uống một tách trà mới đun sôi, hoặc nói chung là để thực phẩm và đồ uống nguội từ mức “nóng bỏng” xuống mức “chịu được” trước khi uống.

Uống trà hoặc cà phê trong khi có thai làm giảm kích thước của em bé

Phụ nữ uống trà hoặc cà phê trong khi mang thai dễ sinh con nhỏ, một nghiên cứu hồi tháng 11 năm ngoái chỉ ra.

Ngay cả những phụ nữ uống dưới mức an toàn 200mg caffeine - khoảng hai cốc cà phê hòa tan hoặc ba tách trà – cũng có nhiều nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non hơn.

Các nhà nghiên cứu, từ Đại học Dublin, cho biết caffeine hạn chế lưu lượng máu đến bánh rau, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu của bác sĩ Ling-Wei Chen, đã xem xét 941 cặp mẹ con sinh ở Ireland. Trà là nguồn caffeine chính của các bà mẹ (48%), sau đó là cà phê (38%).

Kết quả cho thấy cứ uống thêm 100mg caffeine - khoảng nửa tách cà phê - hàng ngày trong ba tháng đầu, cân nặng của em bé khi sinh sẽ giảm 72g.

Cẩm Tú

Theo DM