Uống thuốc, bệnh nhân nuốt luôn hàm răng giả
(Dân trí) - Vừa uống viên thuốc, bệnh nhân cảm giác bị vướng ở cổ, ông kiểm tra thì tá hỏa phát hiện hàm răng giả đã không còn. Bác sĩ phát hiện hàm răng giả với 2 móc sắc nhọn mắc ở tá tràng bệnh nhân.
Tai nạn hy hữu xảy ra với ông V.Đ.T. (51 tuổi, ngụ tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh). Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện tư nhân trên địa bàn TPHCM vì nuốt dị vật vào đường tiêu hóa.
Khai thác thông tin của bác sĩ từ phía người bệnh được biết, ông đang trong thời gian điều trị bệnh tại nhà. Trong lúc dùng nước để uống một viên thuốc, ông có cảm giác bị nuốt nghẹn ở cổ. Bệnh nhân tá hỏa kiểm tra thì phát hiện hàm răng giả của mình đã biến mất. Ông được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi khám và chụp X-quang, bác sĩ xác định hàm răng giả có 2 móc kim loại đã mắc ở tá tràng đoạn D3-D4 của người bệnh. Ngay lập tức, bệnh nhân T. được chỉ định nội soi cấp cứu để lấy dị vật.
Hàm răng giả có 2 móc kim loại sắc nhọn, rất dễ làm tổn thương vùng tá tràng của người bệnh. Bằng các dụng cụ chuyên môn, các bác sĩ đã thực hiện thủ thuật nội soi ống mềm qua ngã tự nhiên, lấy răng giả ra khỏi tá tràng - dạ dày - thực quản bệnh nhân an toàn. Sau khi gắp thành công hàm răng giả ra ngoài, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Trương Ngọc Nhã chuyên khoa nội soi khuyến cáo: "Cộng đồng cần cẩn thận với các hàm răng giả có móc kim loại. Những người phải mang răng giả tháo lắp, tốt nhất nên trồng răng cố định, chắc chắn hơn và an toàn hơn. Răng giả tháo lắp có thể rơi vào đường thở gây suy hô hấp, nguy cơ thủng, rách thực quản cao, chèn nghẹt, dễ làm tắc nghẽn đường tiêu hóa. Một số trường hợp dị vật xuống sâu ở đoạn xa ruột non có thể gây thủng ruột làm viêm phúc mạc bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật rất nặng nề".