Uống nước chanh leo nên bỏ hạt
Chanh leo có tên khoa học là Passiflora edulis L, thuộc họ lạc tiên. Quả chanh leo có hình cầu, vỏ màu xanh, khi chín có màu mận chín, vỏ xốp, bên trong chứa nhiều hạt, áo hạt màu vàng, vị chua ngọt mùi thơm đặc biệt.
Thịt quả thường dùng để chế biến nước giải khát. Ruột chanh leo có thành phần hoá học thay đổi tuỳ theo từng chủng loại và điều kiện trồng trọt. Thông thường ruột chanh có chứa protein, gluxit, dầu béo, vitamin C, các chất khoáng như Ca, P, Fe, nhiều axit hữu cơ, đặc biệt là axit citric, các tinh dầu thơm, các flavoit...
Ruột chanh (áo hạt) có tác dụng sinh tân, giải khát, khai vị, lợi tiểu, khử nóng, sát trùng. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng: Những người bị bệnh cao huyết áp và mạch vành uống nước chanh leo có tác dụng cải thiện tình trạng bệnh nhờ axit citric kết hợp với canxi làm hoãn giải tình trạng máu bị đông do tích tụ tiểu cầu. Chanh leo còn có tác dụng giải cảm, hạ huyết áp, giảm béo, khỏi đau, gia tăng sự tuần hoàn của máu.
Hầu hết các chất dinh dưỡng của quả chanh leo tập trung ở ruột chanh (áo hạt), còn hạt chanh hầu như không có giá trị dinh dưỡng, khi vào cơ thể hạt chanh leo không tiêu hoá được. Do vậy khi sử dụng nên tận dụng hết phần ruột chanh (áo hạt), không nên uống cả hạt. Theo thói quen, một số người uống cả hạt chanh leo và cho rằng như thế mới tốt là không có cơ sở.
Có điều việc loại bỏ hạt chanh leo không dễ dàng như chanh thường mà hạt chanh leo luôn mang theo áo hạt, nếu bỏ hạt đi mà không tận dụng được hết phần áo hạt thì lại lãng phí. Do đó, khi vắt quả chanh leo nên vắt ra bát rồi khéo léo dùng thìa gạn bỏ hạt, giữ lại phần áo hạt để cho vào cốc nước, cùng với một chút ít đường, ta sẽ có cốc nước chanh leo thơm ngon, bổ dưỡng.
Theo Sức khoẻ & Đời sống