1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Uống nhiều trà đá gây sỏi thận?

Hà An

(Dân trí) - Về lý thuyết, uống nhiều nước trà, trà đá có nguy cơ gây sỏi thận vì trong trà khô chứa nhiều oxalat. Tuy nhiên, thực tế rất khó uống đủ lượng để gây ra sỏi thận.

Uống nước chè, đặc biệt là trà đá vỉa hè là thói quen của rất nhiều người dân Việt. Trong trà có chứa một chất đã được biết gây ra sỏi thận hoặc thậm chí suy thận nếu sử dụng ở lượng lớn là oxalate.

Một người đàn ông 56 tuổi, ở Mỹ thậm chí bị suy thận nặng vì thói quen uống khoảng 4 lít trà đá mỗi ngày. Khi đó, các bác sĩ đã loại trừ nhiều nguyên nhân khiến ông bị bệnh thận. Họ cho rằng bệnh nhân uống 16 cốc trà đá mỗi ngày là lý giải hợp lý nhất trong trường hợp này. Người đàn ông nhập viện với triệu chứng buồn nôn, yếu lả, mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Các bác sĩ xác định thận của bệnh nhân bị tắc nghiêm trọng và bị viêm do một chất có trong thức ăn là oxalate. 

Uống nhiều trà đá gây sỏi thận? - 1

Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận là bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản... thành những tinh thể rắn. Đây là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Theo thống kê, cứ khoảng 20 người thì có một người bị sỏi tạo thành trong hệ tiết niệu.

Theo Ths.Bs Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện E Hà Nội, về lý thuyết uống nhiều nước trà, trà đá có nguy cơ gây sỏi thận. Lý do vì trong trà khô chứa nhiều oxalat, một trong những hóa chất quan trọng dẫn đến sự hình thành sỏi thận. Nếu uống trà đặc kèm đá sẽ gây kết tủa thành nước cứng. Oxalate gắn với canxi ion tạo thành tinh thể sỏi trong điều kiện người đó uống ít nước, ra nhiều mồ hôi vì lao động nặng, không khí nóng bức... Những người có tiền sử bị sỏi, uống ít nước, lao động nặng nhọc nếu uống nhiều nước chè sẽ làm gia tăng những cơn đau do sỏi thận. 

Dù vậy, chuyên gia cho rằng, với người bình thường chúng ta rất khó uống đủ lượng để gây ra sỏi thận. Theo BS Liên, nguyên nhân phổ biến nhất của sỏi thận là do uống không đủ nước.

Bác sĩ khuyên những người có nguy cơ bị sỏi thận nên giảm một số loại thực phẩm có chứa nồng độ oxalate cao, bao gồm rau bina, chocolate, và các loại hạt, đồng thời ăn ít muối và thịt, uống vài cốc nước mỗi ngày và ăn các loại thực phẩm cung cấp đủ lượng canxi vì điều này làm giảm lượng oxalate mà cơ thể hấp thụ.

Người dân nên uống trà xanh, đối với trà khô cũng không nên uống đặc. Mỗi buổi sáng chỉ nên uống 2-3 chén nước nước trà, với trà xanh loãng có thể uống 0,5-1 lít/ngày. Những người có tiền sử sỏi thận, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ liệu uống trà đá có thể là yếu tố gây sỏi thận không.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý, chè chứa cafein nên có tác dụng kích thích hưng phấn hệ thần kinh trung ương, hoạt động tim mạch, chức năng thận và ống tiêu hóa. Chè khô có chứa 2,5-4% cafein.  

Vì thế, dùng nhiều nước chè đặc thì không có lợi cho sức khỏe. Hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và thận luôn luôn bị kích thích ở trạng thái hưng phấn. Đặc biệt đối với những người bị bệnh tim, tăng huyết áp không nên nước chè đặc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, chất tanin trong trà ức chế hấp thu sắt. Vì thế, uống nước trà ngay sau khi ăn sẽ làm giảm sự hấp thụ chất sắt từ thức ăn, không uống sắt cùng với chè. Những đồ như trà có tác dụng lợi tiểu, nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận do vậy cần hạn chế.

Những người có nguy cơ mắc sỏi thận là người có thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi. Bình thường lượng nước tiểu 24 giờ ở người lớn khoảng trên 1,5 lít. Khi khối lượng 24 giờ giảm một nửa thì nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên gấp đôi.

Người có chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, người thừa cân béo phì, nghiện rượu... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Những bệnh nhân phải bất động lâu ngày như chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa thương, người có bệnh cường tuyến phó giáp, các bệnh khác gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Đặc biệt, người có tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.