Uống cà phê thời điểm này gây hại đủ đường cho cơ thể

Minh Nhật

(Dân trí) - Thức dậy sau một đêm nhậu tới bến với cảm giác nôn nao, một số người tìm đến cà phê như một phương pháp để giúp tỉnh táo và giảm các triệu chứng.

Cà phê là thức uống quen thuộc của nhiều người. Cà phê chứa lipid, protid, chất khoáng và caffein. Vì chứa caffein nên có tác dụng kích thích hưng phấn hệ thần kinh trung ương, hoạt động tim mạch. Trong cà phê lượng cafein là 0,6-2,4%. 

Tuy nhiên, theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, việc uống cà phê khi say sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.

Mất nước gấp đôi

ca_phe_1

Việc uống cà phê khi say sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe (Ảnh: Getty)

Theo các chuyên gia, sau khi sử dụng nhiều bia rượu, cơ thể dễ rơi vào tình trạng mất nước. Mất nước là nguyên nhân gây ra rất nhiều tác dụng phụ khó chịu như: mệt mỏi, buồn nôn và chóng mặt mà chúng ta gặp phải khi say. Trong khi đó, ly cà phê buổi sáng sau bữa nhậu, không chỉ không giúp tỉnh táo hơn, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước của bạn.

Cà phê có tác dụng như một loại thuốc lợi tiểu sẽ kích thích người uống đi tiểu. Vì vậy uống cà phê khi đang say có thể giống như một cơn say thứ hai làm mất nước gấp đôi. Thay vì uống nước giúp bạn bổ sung chất lỏng, để cơ thể khôi phục lại sự cân bằng, bạn tiếp tục mất nhiều nước hơn qua việc đi tiểu vì uống cà phê.

Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nôn nao. Đặc biệt, bị mất nước có thể gây đau đầu dữ dội. Cụ thể, khi không cung cấp đủ chất lỏng cho cơ thể, não sẽ co lại, hơi lùi ra khỏi hộp sọ. Điều này gây áp lực lên các dây thần kinh, dẫn đến cơn đau đầu.

Mặc dù cơ thể của mọi người sẽ phản ứng khác nhau, nhưng lựa chọn an toàn nhất khi say là bổ sung lại nước cho cơ thể bằng nước lọc thông thường chứ không phải đồ uống như cà phê.

Gia tăng sự căng thẳng

ca_phe_2

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, tình trạng say xỉn có thể tàn phá quá trình điều tiết cảm xúc, khiến việc kiểm soát cảm xúc của một người trở nên khó khăn hơn (Ảnh: Getty).

Theo các chuyên gia, uống rượu có thể ảnh hưởng đến nồng độ dopamine trong cơ thể. Rượu sẽ phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của chúng ta vào ngày hôm sau.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, tình trạng say xỉn có thể tàn phá quá trình điều tiết cảm xúc, khiến việc kiểm soát cảm xúc của một người trở nên khó khăn hơn. Việc thêm một tách cà phê có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn, do hàm lượng caffein sẽ làm tăng cảm giác lo lắng và bồn chồn đối với một số người.

Mặc dù điều này đặc biệt đúng đối với những người nhạy cảm với caffein, nhưng ngay cả những người thường xuyên uống cà phê như một thói quen hàng ngày, vẫn có thể gặp phải cảm giác bồn chồn tương tự khi say rượu.

Vì vậy, khi đang nôn nao, chúng ta không nên uống cà phê hoặc chọn loại ít caffein hơn để không làm trầm trọng thêm các triệu chứng của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, ngay cả loại cà phê khử caffein (decaf) vẫn chứa một lượng nhỏ caffein với lượng khoảng 2mg caffein mỗi cốc so với 95 mg caffein trong cà phê thông thường.

Có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa

Uống cà phê thời điểm này gây hại đủ đường cho cơ thể - 3

Uống cà phê buổi sáng trong lúc vẫn đang nôn nao vì say rượu có thể làm trầm trọng thêm những rắc rối về dạ dày (Ảnh: Getty).

Uống rượu mạnh có thể ảnh hưởng đến dạ dày vì rượu kích thích niêm mạc dạ dày và ruột. Đó là lý do tại sao uống rượu có thể gây hại hệ thống tiêu hóa của bạn, gây buồn nôn, nôn và đau bụng.

Uống cà phê buổi sáng trong lúc vẫn đang nôn nao vì say rượu có thể làm trầm trọng thêm những rắc rối về dạ dày. Caffein không chỉ hoạt động như một chất kích thích, tăng tốc độ co bóp trong ruột, mà hàm lượng axit và/hoặc chất béo của nó còn có thể gây đầy hơi khó chịu, ợ nóng và trào ngược axit. Vì vậy, nếu đang bị đau bụng, bạn không nên uống cà phê và thay vào đó chọn uống nước để cung cấp nước cho bạn và giúp cơ thể loại bỏ độc tố nhanh hơn.