Uống 2 chai nước ngọt mỗi ngày, chàng trai gánh hậu quả bất ngờ về sinh lý
(Dân trí) - Liên tục uống 2 chai nước ngọt trong khoảng thời gian 3 năm, chàng trai phải đến cầu cứu bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng bất thường về sinh lý.
Đó là trường hợp của một nam thanh niên 25 tuổi, sống tại TPHCM, có ngoại hình hơi thừa cân. Theo bệnh sử, chàng trai cho biết mỗi ngày có thói quen phải uống 2 chai nước ngọt sau bữa trưa và tối, đã duy trì khoảng 3 năm. Bệnh nhân chia sẻ, chỉ khi uống nước ngọt thì ăn cơm mới ngon miệng.
Gần đây, bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn khi gần gũi với bạn gái, dù đã tìm nhiều cách nhưng không cải thiện được.
Sau khi nghe chàng trai trình bày và dựa trên các triệu chứng, bác sĩ đã cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết, kiểm tra đường huyết và các chỉ số ở gan, thận và các hormone sinh dục. Kết quả cho thấy, nam thanh niên có chỉ số đường huyết cao gấp 3 lần bình thường. Triệu chứng rối loạn cương, yếu sinh lý là một trong những biểu hiện của bệnh đái tháo đường.
"Bệnh nhân dùng nước ngọt lâu ngày dẫn đến thừa cân, béo phì và đái tháo đường mà không biết. Bạn nào có thói quen như trên hãy cẩn thận", bác sĩ Tân khuyến cáo.
Ngược lại với trường hợp trên, chị M. (44 tuổi, quê Đồng Nai) bất ngờ giảm cân nặng từ 52kg xuống 42kg, dù chị không ăn kiêng, không tập thể dục. Chưa kịp vui mừng vì có "vòng eo đẹp", người phụ nữ đã suy nhược cơ thể, rơi vào mê man và được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện ở TPHCM.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy chỉ số đường huyết của nữ bệnh nhân cao gấp 4 lần bình thường, định lượng ceton máu cao hơn 25 lần mức cho phép, kèm rối loạn điện giải.
Người bệnh nhiễm toan ceton do tiểu đường (axit trong máu tăng cao) có thể rơi vào hôn mê nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Nữ bệnh nhân được truyền insulin, bù dịch, bù điện giải, xét nghiệm kiểm tra các chức năng gan, thận, tim, phổi và điều trị tích cực. Qua đó, bệnh nhân được xác định mắc tiểu đường type 2.
Theo bác sĩ Linh, bệnh nhân có lối sống sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh. Trước khi sụt cân, chị M. thường xuyên làm việc đến 1 giờ sáng và ăn bánh ngọt, uống nước ngọt khi đói bụng. Ở người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể đề kháng insulin, khiến cơ thể không vận chuyển glucose (đường) vào tế bào để tạo ra năng lượng.
Lúc này, cơ thể sẽ bị thiếu năng lượng hoạt động, nên tìm cách bù đắp bằng cách đốt cháy chất béo, gây ra tình trạng sụt cân. Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng như mất nước, mất cân bằng hormone, yếu cơ bắp, rối loạn điện giải, suy thận, rối loạn ăn uống…
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nếu có triệu chứng bất thường, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân nên đi khám để được kiểm tra và điều trị sớm. Bên cạnh đó, cần chủ động khám tầm soát bệnh tiểu đường thường xuyên, ít nhất 1 năm/lần.
"Không nên chờ đến khi có triệu chứng mới đi khám, khi đó có thể bệnh đã đi kèm biến chứng nguy hiểm", bác sĩ cảnh báo.