Ung thư vú, khi nào nên xạ trị?

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân ung thư vú băn khoăn, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u, có cần xạ trị hay tiến hành phương pháp gì khác để điều trị triệt căn ung thư?

Hỏi: Mẹ tôi bị ung thư vú giai đoạn 2A, thể bộ 3 âm tính, đã phẫu thuật cắt toàn bộ, vét hạch. Gia đình băn khoăn không biết có cần xạ trị để ngăn tái phát không?

TS.BS Phạm Hồng Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh Quán Sứ, Bệnh viện K trả lời:

Trong kể bệnh bạn không nói rõ về kích thước khối u. Thông thường, ở giai đoạn 2A kích thước khối u trải dài từ 2cm đến dưới 5cm. Trường hợp u trên 3cm có thể có chỉ định xạ trị. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp u dưới 2cm nhưng đã có hạch di căn, ví dụ 1-2 hạch di căn, có thể có chỉ định xạ trị.

Ung thư vú, khi nào nên xạ trị? - 1

Vậy việc xạ trị đặt ra với bệnh nhân ung thư vú khi nào? Xạ trị là chỉ định quan trọng trong tổ hợp điều trị đa mô thức của ung thư, đặc biệt là ung thư vú.

Các trường hợp ung thư vú được chỉ định xạ trị gồm:

- Ung thư vú làm phẫu thuật bảo tồn.

- U kích thước lớn trên 3cm.

- U không ở trung tâm vú mà ở vùng ngoại vi. Khi phẫu thuật khối u lấy rộng thấy khó khăn, những trường hợp này có thể xạ trị.

- Trường hợp có di căn hạch.

Xạ trị nhằm kiểm soát tại chỗ, tại vùng, đảm bảo làm sao phối hợp hóa trị, điều trị đích... nhằm kiểm soát ung thư vú hiệu quả nhất.

Với trường hợp ung thư vú giai đoạn kích thước nhỏ 2-3cm, có các yếu tố thuận lợi, từ 60-70 tuổi… việc điều trị bổ trợ có thể đặt ra lựa chọn nội tiết hoặc phương pháp khác, không nhất thiết phải xạ trị.

Điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức, có thể kết hợp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích... nhằm kiểm soát ung thư vú hiệu quả. Trên mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có những tư vấn, chỉ định phù hợp nhất.