Bệnh nhân ung thư vú nên chuẩn bị gì trước khi tiêm vắc xin Covid-19?
(Dân trí) - Ths.BS Đỗ Tuyết Mai, Khoa điều trị A, Bệnh viện K khuyến cáo, tiêm vắc xin Covid-19 là rất cần thiết với người miễn dịch suy giảm, nguy cơ cao như bệnh nhân ung thư vú.
Tuy nhiên, khi được gọi đi tiêm phòng, nhiều bệnh nhân hoang mang, lo sợ, căng thẳng đến mức khi đến tiêm nhịp tim tăng, huyết áp tăng cao đến mức không tiêm được, rất đáng tiếc. Đây đều là những vấn đề liên quan đến tâm lý người bệnh, có thể khắc phục bằng những thay đổi nhỏ.
BS Mai khuyến cáo bệnh nhân ung thư vú nên có kế hoạch chuẩn bị cả về sức khỏe, tinh thần, tâm thế trước khi đi tiêm.
Theo đó, trước thời điểm tiêm 1-2 ngày, chị em nên xem thời gian biểu, mình đã ngủ đủ giấc chưa. Việc ngủ đủ giấc giúp mọi người có tinh thần thư thái, dễ chịu.
Vào ngày tiêm chủng, chị em có một tâm lý thoải mái nhất. Hãy chọn cho mình một bộ đồ đẹp, một chiếc khăn đội đầu, hay tóc giả yêu thích, soi mình trước gương để có một thần thái tự tin nhất khi ra ngoài.
Ngay trước thời điểm chuẩn bị tiêm 30 phút ngồi đợi đến lượt tiêm, nên dành thời gian ít ỏi đó nhắm mắt, hít thở sâu, nghĩ đến điểm tích cực, như vắc xin giúp chúng ta khỏe mạnh, bảo vệ ta trước bệnh tật; như những người khác, mình cũng vượt qua các phản ứng phụ nếu có; các phản ứng phụ của vắc xin không đáng ngại...
BS Mai cũng lưu ý thêm, một số bệnh nhân trải qua quá trình điều trị lâu, họ có phản ứng tâm lý, hội chứng áo choàng trắng nhìn thấy người mặc áo blu trắng là bị ảnh hưởng cảm xúc, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng. Những trường hợp này, nhân viên y tế nên dành thời gian để giải thích kỹ cho người bệnh, dành thêm thời gian chờ đợi để bệnh nhân bình tĩnh.
Sau tiêm, mọi người cần theo dõi như tất cả những người bình thường khác.
BS Mai khuyến cáo, tất cả bệnh nhân ung thư điều trị ổn định, nên đi tiêm phòng để giảm nguy cơ mắc Covid-19, giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng khi mắc Covid-19. Vì bệnh nhân ung thư là đối tượng có bệnh nền, dễ diễn tiến nặng, nguy hiểm nếu mắc Covid-19.