Ung thư vú đứng vị trí đầu bảng trong các ung thư nữ giới

(Dân trí) - Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).

Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỉ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.

Trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Đặc biệt là với ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, là vì bệnh nhân tự sờ thấy được.

Điều trị ung thư vú như thế nào?

Với bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì sẽ điều trị khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao, đặc biệt là với bệnh ung thư vú. Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, với ung thư cổ tử cung là 80-93%, ung thư đại trực tràng là 88%...

TS.BS Lê Thanh Đức (trưởng khoa Nội 5, BV viện K) cho biết, ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.

Tại BV K Trung ương đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn 1 - 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con.

Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao. Trong cộng đồng, nhiều phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về biện phát tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng ung thư vú định kỳ nên phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.

Còn với ung thư ở nam giới, đúng đầu là ung thư phổi, tiếp đến là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Theo ghi nhận ung thư năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc, Tỷ lệ mới mắc/100.000 dân là 151,4 đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và 114.871 ca tử vong do ung thư, Tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư.

Trên thế giới, teo thống kê GLOBOCAN năm 2012, trên toàn thế giới có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc, 8,2 triệu ca tử vong và 32,6 triệu người đang sống chung cùng căn bệnh ung thư (chẩn đoán trong vòng 5 năm). Trong đó, ước tính có đến 57% (8 triệu) ca mới mắc, 65% (5,3 triệu) ca tử vong và 48% (15,6 triệu) người đang sống chung cùng bệnh ung thư là các trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển.

Chi phí điều trị vẫn là một trong những gánh nặng của người Việt. Nghiên cứu tại Bệnh viện K năm 2012 cho thấy, một bệnh nhân ung thư có chi phí điều trị trung bình là 176.830.000 đồng/ năm, trong đó BHYT chi trả khoảng 51.870.000 đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị).

Ước tính chi phí trực tiếp của 6 nhóm bệnh ung thư (vú, cổ tử cung, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng và ung thư dạ dày) tại VN năm 2012 được ước tính vào khoảng 25.789 tỷ VNĐ, trong đó BHYT chi trả khoảng 8.145 tỷ đồng (chiếm 31.8% chi phí điều trị).

Điều đáng mừng nhất là các phương pháp, kĩ thuật điều trị ung thư tại Việt Nam ngày càng cập nhật, mang lại tỉ lệ điều trị khỏi tương đương với nhiều nước trong khu vực.

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

- Khối u không đau ở ngực

- Thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú

- Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại

- Làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp. 

- Có hạch ở hố nách. 

Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu bạn phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.

Các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất; cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; có kinh sớm; không sinh con...), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.

Hồng Hải