Ung thư tụy có chữa được không?
(Dân trí) - Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến tụy không được phát hiện và chẩn đoán cho đến khi ung thư ở giai đoạn cuối và lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu.
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia thành 3 phần chính lần lượt từ phải qua trái gồm: đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy.
Tụy có 2 chức năng chính:
- Chức năng ngoại tiết: tiết ra men tụy đổ vào tá tràng giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Khối mô chính của tụy là mô tụy ngoại tiết, đảm nhiệm chức năng tụy ngoại tiết.
- Chức năng nội tiết: tiết ra hormone Insulin và Glucagon đi thẳng vào máu để tham gia quá trình chuyển hóa Glucose của cơ thể. Chức năng nội tiết do các tế bào nội tiết của tụy đảm nhiệm, các tế bào này nằm xen kẽ với các nang tuyến của tụy ngoại tiết và được gọi là các tiểu đảo Langerhans.
Theo bác sĩ Lê Công Định, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết (tế bào đảo Langerhans) và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy. Trên 95% ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết (gồm tế bào biểu mô ống tụy, tế bào "acinar", tế bào mầm…).
Nguyên nhân của ung thư tụy là gì?
Hiện nay nguyên nhân cụ thể của ung thư tụy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh của ung thư tụy.
Yếu tố di truyền: Khoảng 10-15% ung thư tụy có liên quan tới yếu tố di truyền. Sự liên quan của yếu tố di truyền với ung thư tụy có thể được chia thành 2 nhóm:
- Người mắc hội chứng di truyền liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tụy: ví dụ người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng do di truyền (có đột biến gen BRCA1, BRCA2) có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là 3-5%. Người bị ung thư đại tràng không polyp có tính chất gia đình- hội chứng Lynch II (do đột biến gen sửa chữa ghép cặp sai-dMMR) có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là 4%. Người bị viêm tụy do di truyền có nguy cơ bị ung thư tụy là 24-40% do có đột biến gen PRSS1, SPINK1.
- Ung thư tụy có tính chất gia đình (familial pancreatic cancer): được xác định khi trong gia đình cặp có bố/mẹ -con hoặc cặp anh/chị-em cùng bị ung thư tụy. Đột biến mầm của gen BRCA1, BRCA2 được phát hiện trong khoảng 13-19% bệnh nhân ung thư tụy có tính chất gia đình
Bệnh lý mãn tính ở tụy: một số bệnh lý mãn tính ở tụy làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy gồm:
- Đái tháo đường: rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bệnh đái tháo đường và ung thư tụy có quan hệ mật thiết với nhau, theo đó đái tháo đường vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của ung thư tụy.
- Viêm tụy mạn
- Bệnh xơ nang tụy
Yếu tố môi trường: các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy
- Hút thuốc lá
- Béo phì, ít hoạt động thể lực
- Nghiện rượu
Tiên lượng của ung thư tụy
Ung thư tuyến tụy có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Hai loại phẫu thuật, thủ thuật Whipple hoặc phẫu thuật cắt bỏ toàn thân, có thể loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy. Điều này sẽ loại bỏ khối u ung thư ban đầu.
Thật không may, phần lớn các trường hợp ung thư tuyến tụy không được phát hiện và chẩn đoán cho đến khi ung thư ở giai đoạn cuối và lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu.
Phẫu thuật có thể không phù hợp ở giai đoạn cuối của ung thư tuyến tụy. Nếu ung thư đã lan sang các vùng khác của cơ thể, việc loại bỏ khối u hoặc tuyến tụy sẽ không chữa khỏi cho bạn. Các phương pháp điều trị khác phải được xem xét.
Ung thư tuyến tụy là một trong những dạng ung thư gây tử vong cao nhất. Nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán bệnh cho đến khi nó lan ra bên ngoài tuyến tụy. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với tất cả các giai đoạn của ung thư tuyến tụy chỉ là 9%.
Làm theo tất cả các khuyến nghị của bác sĩ có thể giúp cải thiện cơ hội phục hồi và sống sót của bạn. Bạn cũng có thể cân nhắc:
- Bổ sung enzyme tuyến tụy để cải thiện tiêu hóa
- Thuốc giảm đau
- Chăm sóc theo dõi thường xuyên, ngay cả khi ung thư được loại bỏ thành công.