Ung thư sẽ tăng nhanh ở nước nghèo bởi lối sống “tây hóa”
(Dân trí) - Một nghiên cứu cho thấy số người bị ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng hơn 75% vào năm 2030, đặc biệt tăng rõ ở các nước nghèo do lối sống “Tây hóa” không có lợi cho sức khỏe.
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới tại Lyon, Pháp, nhiều nước đang phát triển hy vọng tăng chuẩn sống trong những thập kỷ tới. Nhưng những tiến bộ này có thể làm tăng số trường hợp ung thư liên quan tới chế độ ăn nghèo nàn, không tập luyện và các thói quen xấu khác liên quan tới sự giàu có và bệnh tật như ung thư vú, tuyến tiền liệt và đại-trực tràng.
Freddie Bray, bộ phận thông tin ung thư của IARC, cho biết: “Ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhiều nước có thu nhập cao và trở thành nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong trong các thập kỷ tới ở mọi vùng trên thế giới”.
Nghiên cứu này lần đầu tiên xem xét tỷ lệ ung thư trong hiện tại và tương lai có thể thay đổi giữa các nước giàu và nước nghèo.
Các nước nghèo - phần lớn là các nước châu Phi cận Sahara - có số trường hợp ung thư liên quan đến nhiễm trùng cao - đặc biệt là ung thư cổ tử cung, ung thư gan, ung thư dạ dày và sarcom Kaposi.
Ngược lại, các nước giàu hơn như Anh, Úc, Nga và Brazil có nhiều trường hợp ung thư liên quan tới hút thuốc lá (như ung thư phổi), béo phì và chế độ ăn.
Các nhà nghiên cứu cho biết tăng tiêu chuẩn sống ở các nước kém phát triển có thể làm giảm số ca ung thư liên quan tới nhiễm trùng nhưng cũng có thể tăng các loại bệnh thường gặp ở các nước giàu. Họ dự báo rằng các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi có thể tăng 78% số trường hợp ung thư vào năm 2030 và ở các nước kém phát triển dự kiến tăng 93%.
7 loại ung thư hay gặp nhất trên thế giới là ung thư phổi, ung thư vú ở nữ, ung thư đại-trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan và ung thư cổ tử cung.
Anh Khôi
Theo MSN