Ung thư máu: Chăm sóc như thế nào để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng?
(Dân trí) - Trong quá trình điều trị hóa chất, nhiễm trùng là một biến chứng vô cùng nặng nề, thậm chí có trường hợp sốc nhiễm khuẩn.
ThS. BS Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất tư vấn về chăm sóc, điều trị ung thư máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội): Ung thư máu (Lơ-xê-mi) được chia thành 2 thể cấp tính và thể mãn tính.
- Trong thể cấp tính chia ra thành dòng tủy và dòng lympho
- Thể mãn tính chia ra gồm có dòng bạch cầu hạt và dòng lympho (lơ-xê-mi-kinh dòng lympho).
Việc chia thể ung thư máu dựa theo hình thái của tế bào và các đặc điểm miễn dịch di truyền.
Trong quá trình điều trị hóa chất, nhiễm trùng là một biến chứng vô cùng nặng nề. Nguyên nhân nhiễm trùng ở người bệnh ung thư là do suy giảm tế bào bạch cầu hạt (bạch cầu trung tính) - có chức năng bảo vệ cơ thể, tăng khả năng miễn dịch. Khi bị bệnh ung thư, tế bào này suy giảm rất nặng nề.
Nguyên nhân thứ hai, trong quá trình điều trị có sử dụng các loại thuốc tiêu diệt tế bào, trong đó tế bào bạch cầu hạt cũng bị ảnh hưởng và giảm sâu. Ngoài ra, có một số thuốc gây ức chế miễn dịch dẫn đến miễn dịch dịch thể của người bệnh giảm đi đáng kể.
Theo BS Nhật, khi bị suy giảm miễn dịch, tế bào bạch cầu sẽ làm cho bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và có thể rất nặng. Thậm chí, có bệnh nhân ung thư sốc nhiễm khuẩn do mắc các bệnh nhiễm vi trùng, vi khuẩn, virus và đặc biệt là nhóm kháng thuốc, điều trị vô cùng vất vả và rủi ro cho bệnh nhân cũng rất cao.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo người bệnh, người nhà người bệnh nên lưu ý áp dụng các phương pháp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn:
- Áp dụng phương pháp 5K của Bộ Y tế trong giai đoạn dịch bệnh;
- Chăm sóc vệ sinh cá nhân và ăn uống đảm bảo sạch sẽ, ăn chín, uống sôi và cân đối về mặt dinh dưỡng, đầu tóc gọn gàng…
- Uống nhiều nước ấm, giữ ấm vùng cổ, không để bị ốm.