Ung thư đại trực tràng dễ di căn đến cơ quan này nhất?

Hà An

(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ và phổ biến thứ ba ở nam giới. Bệnh có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu hoặc hệ bạch huyết.

Tại sao ung thư đại trực tràng di căn đến gan?

Gan là nơi phổ biến nhất ung thư đại trực tràng dễ di căn đến. Theo Healthline, khoảng 70% những người bị ung thư đại trực tràng bị ung thư gan di căn. Ung thư gan di căn có nghĩa là ung thư không bắt nguồn từ gan mà lây lan từ một nơi khác, như đại trực tràng.

Sở dĩ ung thư đại trực tràng thường di căn đến gan là do sự kết nối mạch máu trực tiếp giữa đại trực tràng và gan thông qua tĩnh mạch cửa. Nếu các tế bào trong thành đại trực tràng bắt đầu đột biến và trở thành ung thư, thì những tế bào bị tổn thương này sẽ dễ dàng được vận chuyển trực tiếp đến gan qua đường máu.

Ung thư đại trực tràng dễ di căn đến cơ quan này nhất? - 1

Mặc dù các tế bào ung thư có nguồn gốc từ đại trực tràng, chúng vẫn có thể tiếp tục phát triển và lây lan trong gan. Nếu các tế bào ác tính này tiếp tục phát triển, chúng có thể hình thành các khối u bắt đầu ảnh hưởng đến gan và khiến gan khó hoạt động bình thường.

Khoảng 14% đến 18% những người bị ung thư đại trực tràng đã di căn ung thư trong lần được chẩn đoán. Tuy nhiên, con số này gần 35% khi chụp cắt lớp vi tính (CT) để phát hiện ung thư đã di căn đến gan hay chưa.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư đại trực tràng có thể lây lan sớm trong thời kỳ bệnh và có thể nhiều năm trước khi ung thư được phát hiện.

Ung thư đại trực tràng được chia thành các giai đoạn I đến IV tùy thuộc vào mức độ tiến triển của ung thư. Bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn IV nếu ung thư đã di căn đến gan hoặc một cơ quan ở xa khác, chẳng hạn như phổi hoặc não.

Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng gồm:

- Đau bụng

Các cơn đau thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ tương tự như biểu hiện của viêm đại tràng.

- Rối loạn tiêu hóa kéo dài (ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng…). 

- Thay đổi thói quen đi đại tiện, số lần đi đại tiện nhiều hơn và có thể đại tiện ra máu, suy nhược cơ thể. 

- Giảm cân bất thường mà không phải do tập luyện thể dục hay ăn kiêng.