Có yếu tố này, bạn nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng
(Dân trí) - Một người với nguy cơ mắc bệnh nên bắt đầu tầm soát sớm hơn ở tuổi ngoài 30. Chẳng hạn khi bạn có tiền sử viêm đại trang mãn tính, tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp...
Ung thư đại tràng thường có thể được ngăn ngừa qua việc sàng lọc thường xuyên, nhằm phát hiện polyp trước khi phát triển thành ung thư. Việc tham khảo với bác sĩ về xét nghiệm sàng lọc nên được bắt đầu dựa trên tuổi và tiền sử nhiễm bệnh trong gia đình. Một người với nguy cơ mắc bệnh nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn ở tuổi ngoài 30.
Theo Bệnh viện K Trung ương, một người nên bắt đầu quá trình sàng lọc sớm hoặc sàng lọc với tần suất thường xuyên hơn, có thể một năm một lần nếu có yếu tố này:
- Tiền sử mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp lành tính.
- Tiền sử mắc viêm đại tràng mãn tính.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp.
- Tiền sử gia đình mắc hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền, ví dụ như bệnh đa polyp gia đình FAP3, hội chứng Lynch 4, hoặc các hội chứng khác.
Phương pháp tầm soát ung thư đại tràng gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân.
- Nội soi đại tràng.
- Chụp X-quang đại tràng có cản quang.
- Siêu âm, chụp CT/MRI.
- Sinh thiết.
Lưu ý trước khi nội soi đại tràng
- Trước khi nội soi, người bệnh cần làm một số xét nghiệm cũng như nhận thuốc để làm sạch đại tràng tại nhà. Vì vậy, bạn nên đặt khám trước với bác sĩ để tiết kiệm thời gian.
- Dù là chọn phương pháp nội soi đại tràng nào, bạn cũng nên yêu cầu người nhà đi cùng để đưa về sau khi thực hiện nội soi.
- Để giúp đại trực tràng sạch hơn, khoảng 2 ngày trước khi nội soi, bạn nên ăn thức ăn nhẹ, ít chất xơ, dễ tiêu hóa.
- Một ngày trước khi nội soi đại tràng, nên uống nhiều nước, nhưng tránh xa các loại nước có màu xanh, đỏ, tím.
- Đêm trước khi nội soi, bạn cần dùng thuốc nhuận tràng để làm sạch đường tiêu hóa. Kể từ khi uống thuốc cho đến khi tiến hành nội soi, bạn sẽ phải nhịn ăn hoàn toàn nhưng có thể uống nước đường nếu cảm thấy đói bụng.
Trong quá trình nội soi, bạn sẽ có cảm giác khó chịu, bị chướng hoặc đau bụng. Trường hợp cảm thấy quá đau, bạn cần giữ bình tĩnh, cố gắng nằm im và thông báo với bác sĩ ngay.
Sau nội soi đại tràng, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi hết cảm giác khó chịu ở bụng. Bạn có thể sẽ bị đau âm ỉ ở bụng, chướng bụng, thường xuyên mót rặn nhưng không đi cầu được. Tuy nhiên, những cảm giác này sẽ dần biến mất và bình phục vào ngày hôm sau.
Bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ và ở lại bệnh viện 1-2 tiếng sau nội soi đại tràng để theo dõi sức khỏe nếu có biến chứng nghiêm trọng đau nhiều, sốt...