Ung thư đại trực tràng có chữa khỏi không?
(Dân trí) - Mắc ung thư đại trực tràng, nhiều người hoang mang, chán nản, thậm chí buông xuôi. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có tiên lượng điều trị tốt. Ở giai đoạn sớm, 94% bệnh nhân vẫn sống sau 5 năm.
Theo Bệnh viện K, ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới.
Theo Globocan, ung thư đại trực tràng đứng trong top 5 về tỷ lệ ca mắc mới và tỷ lệ tử vong tại Việt Nam. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng cũng có thể điều trị và chữa khỏi tới hơn 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm cho kết quả điều trị rất tích cực. Tiên lượng sống sau 5 năm theo giai đoạn là:
Giai đoạn 0 và giai đoạn 1 được xem là giai đoạn rất sớm của bệnh và có tỷ lệ chữa khỏi cao. Sau phẫu thuật 94% số bệnh nhân sẽ sống được sau 5 năm.
Giai đoạn 2: Khoảng một phần tư số người bị ung thư đại tràng được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, sau khi phẫu thuật, số người bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 2 có thể sống trên 5 năm lên đến 82%.
Giai đoạn 3: Có 23% số ca mắc được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tiên lượng phụ thuộc vào số lượng các hạch bạch huyết có chứa tế bào ung thư. Sau khi phẫu thuật, trên một nửa người bệnh (67%) sẽ sống ít nhất 5 năm.
Giai đoạn 4: Khoảng 9% số người bệnh phát hiện mắc ung thư đại tràng khi khối u đã di căn sang các cơ quan khác tại thời điểm chẩn đoán. Đối với ung thư giai đoạn này, tỷ lệ sống thấp, chỉ có khoảng 11% số người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu ung thư đã di căn vào gan và các khu vực trong gan có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật, theo một số nghiên cứu tỷ lệ sống 5 năm vào khoảng 25-40%.