Ung thư biểu mô tế bào gan: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị.
(Dân trí) - Ung thư biểu mô tế bào gan là tổn thương ác tính của các tế bào biểu mô nhu mô gan. Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư hay gặp nhất, chiếm 80-90% các trường hợp ung thư gan nguyên phát.
Theo TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), ở Việt Nam, ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư phổ biến trên cả nước. Ung thư biểu mô tế bào gan nếu phát hiện muộn, tiên lượng bệnh rất xấu, tỷ lệ tử vong cao. Tại Việt Nam, chỉ khoảng 20% bệnh nhân có chỉ định mổ cắt u khi được phát hiện.
Nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp gây ung thư gan chưa rõ ràng, cơ chế gây ung thư được cho là do rối loạn cấu trúc AND của nhân tế bào. Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm rối loạn cấu trúc gây đột biến gen như: viêm gan virus B, C, xơ gan do rượu, các chất gây hoại tử tế bào gan và xơ gan, chế độ ăn uống không lành mạnh, thực phẩm đã hỏng, chứa hóa chất độc hại.
Chẩn đoán
Ở giai đoạn sớm của ung thư biểu mô tế bào gan, các triệu chứng nghèo nàn, rất khó chẩn đoán. Bệnh nhân thường có các biểu hiện: đau tức vùng hạ sườn phải liên tục, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân nhanh, đôi khi có sốt nhẹ, có thể gặp vàng da.
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ cần dựa vào thăm khám lâm sàng kết hợp với hình ảnh trên phim chụp CT, MRI, xét nghiệm AFP, những trường hợp khó, cần sinh thiết khối u gan để phân biệt các bệnh lý khác ở gan.
Điều trị
Điều trị ung thư biểu mô tế bào gan là điều trị các khối ung thư gan đã phát hiện. Điều trị phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất, các biện pháp khác như: nút mạch, hóa chất, đốt sóng cao tần chỉ là hỗ trợ. Ngoài ra cần điều trị giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như: điều trị viêm gan virus, thay đổi lối sống.
Phòng bệnh ung thư gan
Phòng bệnh ung thư gan nguyên phát có thể thực hiện ở 3 cấp:
- Phòng bệnh cấp 1: là tránh sự tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư gan ở môi trường
Theo Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tránh lây nhiễm virus viêm gan B và C bằng các biện pháp vệ sinh, loại bỏ kỹ những nguồn cho máu và các chế phẩm từ máu bị nhiễm virus viêm gan B và C; tránh dùng chung những dụng cụ có thể dính máu của nhau như kim tiêm, kim châm cứu, dao cạo, bàn chải đánh răng… Thận trọng khi sử dụng các thuốc có hại cho gan.
Tránh những thức ăn có thể nhiễm nấm mốc aflatoxin như lạc, gạo ngô mốc… cải thiện các điều kiện bảo quản để tránh cho nấm mốc phát triển.
Những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Tạo miễn dịch chống virus viêm gan B bằng cách tiêm vắc xin.
- Phòng bệnh cấp 2: là tránh sự tiến triển của các bệnh gan mạn tính mà trước hết là viêm gan B mạn tính trở thành xơ gan.
Người bệnh cần điều trị các bệnh gan mạn tính, không để trở thành xơ gan. Chẩn đoán viêm gan B mạn tính được xác định khi bệnh nhân mang virus viêm gan B ít nhất là 6 tháng, có những biểu hiện về sinh hóa hoặc mô học của viêm gan và sự nhân lên của virus. Mục đích của điều trị viêm gan B mạn tính là ngăn cản hoặc chí ít làm giảm nguy cơ phát triển thành xơ gan và ung thư gan.
- Phòng bệnh cấp 3: là tránh cho bệnh gan đã bị xơ không phát triển thành ung thư gan.
Nếu đã bị xơ gan cần điều trị ngăn chặn để không phát triển thành ung thư gan nguyên phát.
Nhờ các tiến bộ y học y quá trình xơ hóa là có thể ngăn chặn và đẩy lùi do đó cần phải điều trị sớm cố gắng không để xơ gan từ giai đoạn đầu sang giai đoạn nặng hơn, mất bù và có nhiều biến chứng trong đó có biến chứng ung thư gan nguyên phát.
Ngoài 3 cấp độ phòng bệnh trên một biện pháp phòng bệnh hết sức quan trọng nữa là sàng lọc để làm sao phát hiện được ung thư gan càng sớm càng tốt, ở giai đoạn tiền lâm sàng, khi chưa có biểu hiện lâm sàng để cho các biện pháp điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.