Ung thư - bệnh từ miệng mà vào
(Dân trí) - Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, trên 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường bên ngoài, còn khoảng 10% do đột biến. Trong các tác nhân bên ngoài, dinh dưỡng đóng vai trò 35%.
Ung thư là hiện tượng đột biến của tế bào. Từng tế bào trong cơ thể con người không phải tồn tại vĩnh viễn, mà nó phát triển, sinh sôi, từ một tế bào phát triển thành nhiều tế bào. Hằng ngày, một số tế bào chết đi, một số tế bào mới sinh ra để cân bằng. Khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u.
Tế bào ngày càng phát triển khổng lồ khiến kích thước khối u ngày càng to, chèn ép các bộ phận xung quanh, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Cuối cùng, do hiện tượng phát triển vô hạn độ, di căn, chèn ép, xâm lấn các bộ phận quan trọng, sử dụng hết năng lượng của cơ thể, làm cơ thể cạn kiệt dẫn đến tử vong.
GS.TS Nguyễn Bá Đức (nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương) khẳng định: "Tất cả những gì đánh vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư và trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (35%), đứng thứ 2 là thuốc lá (30%)".
Vì thế, chú ý được yếu tố dinh dưỡng, bạn đã ngăn ngừa được 35% nguy cơ gây ung thư.
BS CK1. Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Xạ trị, xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng để phòng ngừa nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này:
Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh ở mọi lứa tuổi
Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm:
- Thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng cao giúp bạn đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
- Nhiều loại rau màu xanh đậm, đỏ và cam, các loại đậu giàu chất xơ (đậu và đậu Hà Lan), và những loại khác.
- Trái cây, đặc biệt là trái cây nguyên trái với nhiều màu sắc
- Ngũ cốc nguyên hạt
Chế độ ăn lành mạnh giới hạn hoặc không bao gồm:
- Thịt đỏ và thịt chế biến (thịt xông khói, ướp muối, lên men…)
- Đồ uống có đường hoặc chất tạo ngọt năng lượng cao.
- Thực phẩm chế biến công nghiệp, đồ ăn nhanh và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Hạn chế đồ uống có cồn:
Uống rượu là yếu tố nguy cơ gây ung thư quan trọng thứ ba có thể phòng ngừa được sau thuốc lá và béo phì. Rượu kết hợp với thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư miệng, thanh quản và thực quản gấp nhiều lần so với việc uống rượu hoặc hút thuốc đơn thuần.
Khuyến cáo: Chỉ nên uống không quá 1 đơn vị mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 đơn vị đối với đàn ông (1 đơn vị tính bằng 12 ounces bia thông thường, 5 ounces rượu vang, hoặc 1,5 ounces rượu mạnh 40 độ chưng cất). Giới hạn này không có nghĩa là bạn được uống một lượng lớn hơn vào ít ngày hơn trong tuần vì nó sẽ gây hại cho sức khỏe hơn.
GS Đức lưu ý, ngoài việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học, cần hết sức lưu ý đến nguồn gốc thực phẩm. "Thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bị nhiễm hóa chất… có thể gây độc cấp như ngộ độc thức ăn, nôn mửa. Nhưng nếu tiềm tàng lâu dài, tích lũy lâu ngày trong cơ thể, đến một lúc nào đó sẽ đủ lượng gây đột biến tế bào. Nếu bị đột biến nhẹ thì tế bào có thể tự điều chỉnh nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ mất khả năng tự sửa chữa, đột biến trở thành ác tính", GS Đức cảnh báo.