1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Ung thư: 35% là do dinh dưỡng”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương về tình trạng ung thư đang gia tăng hiện nay.

Ung thư - Sự đột biến của tế bào

 

Ung thư là hiện tượng đột biến của tế bào. Từng tế bào trong cơ thể con người không phải tồn tại vĩnh viễn, mà nó phát triển, sinh sôi, từ một tế bào phát triển thành nhiều tế bào. Hằng ngày, một số tế bào chết đi, một số tế bào mới sinh ra để cân bằng. Khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u.

 

Tế bào ngày càng phát triển khổng lồ khiến kích thước khối u ngày càng to, chèn ép các bộ phận xung quanh, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Cuối cùng, do hiện tượng phát triển vô hạn độ, di căn, chèn ép, xâm lấn các bộ phận quan trọng, sử dụng hết năng lượng của cơ thể, làm cơ thể cạn kiệt dẫn đến tử vong.

 

GS.TS Nguyễn Bá Đức khẳng định: “Tất cả những gì đánh vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư và trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (35%), đứng thứ 2 là thuốc lá (30%)”.

 

Thực phẩm ô nhiễm - Nguồn bệnh

 

“Thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bị nhiễm hóa chất… có thể gây độc cấp như ngộ độc thức ăn, nôn mửa. Nhưng nếu tiềm tàng lâu dài, tích lũy lâu ngày trong cơ thể, đến một lúc nào đó sẽ đủ lượng gây đột biến tế bào. Nếu bị đột biến nhẹ thì tế bào có thể tự điều chỉnh nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ mất khả năng tự sửa chữa, đột biến trở thành ác tính”, GS Đức cảnh báo.

 

Thế nhưng thực phẩm tồn dư nhiều loại hóa chất, như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thậm chí cả dioxin, những thuốc nhuộm thực phẩm, hóa chất công nghiệp, phở có formol, sudan trong trứng, mỹ phẩm, hạt dưa nhuộm đỏ… lại đầy dẫy, tràn lan trên thị trường.

 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT năm 2006, tỷ lệ các mẫu rau xanh còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật chiếm tỷ lệ rất cao:

 

- Rau cải: Năm 2000, dư lượng là 54,5%; năm 2004 là 63,9%; năm 2005 là 12,96%.

- Rau muống: Năm 2000 là 29,4%; năm 2004 là 31,9%; năm 2005 là 11,11%.

- Đậu đỗ, dưa chuột, cà chua: Năm 2004, tỷ lệ các mẫu còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vẫn còn từ 26 - 37%, trong đó 3 - 11% dư lượng vượt giới hạn cho phép.

 

Theo GS Nguyễn Bá Đức, mỗi năm cả nước có thêm 150.000 người mắc ung thư, trong đó trên 50.000 người mắc ung thư do ăn phải thực phẩm ô nhiễm và có thói quen ăn uống không tốt.

 

Ăn uống – Thận trọng là hơn

 

GS Đức cho biết: 50% số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách và ăn nhiều chất xơ, chất sợi chính là một trong những cách phòng ung thư hiệu quả.

 

Tuy nhiên, vấn đề là ăn nhiều rau xanh sẽ giảm nguy cơ ung thư nhưng hiện những thực phẩm bổ dưỡng này lại thường xuyên dùng chất bảo quản và nuôi trồng trong môi trường tràn ngập hóa chất. Và cuộc sống càng phát triển, người ta càng sử dụng hóa chất nhiều hơn. Do vậy, để thực phẩm phát huy hiệu quả trong việc phòng ngừa căn bệnh này, vấn đề là phải đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hạn chế tối đa việc đưa những hóa chất độc hại, chất bảo quản, phẩm màu công nghiệp vào trong cơ thể.

 

Ngoài ra, phương pháp chế biến thực phẩm cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Nếu chế biến thực phẩm không đúng cách như các món rán, nướng; chế biến thực phẩm mốc… cũng tạo thêm cơ hội cho các tác nhân gây ung thư xâm nhập cơ thể.

 

Thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn… cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan. Ăn nhiều thức ăn động vật, mỡ, dễ dẫn đến thừa đạm, dễ gây ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt…

 

“Vấn đề dinh dưỡng, thực phẩm hết sức quan trọng vì nó có thể đưa nhiều tác nhân gây ung thư vào cơ thể. Trước mắt, khi chưa có những biện pháp cụ thể, triệt để ngăn ngừa việc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm, mỗi người cần tự ý thức để ăn uống vệ sinh sạch sẽ”, GS Đức đưa ra lời khuyên.

 

Hồng Hải