Ứng dụng công nghệ 3D giảm nguy cơ tai biến trong phẫu thuật cột sống

(Dân trí) - TS.BS Hoàng Gia Du, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trong phẫu thuật cột sống, chỉ sai số 1mm cũng có nguy cơ tai biến. Việc ứng dụng định vị 3 chiều giúp giảm tối đa nguy cơ cho bệnh nhân trong phẫu thuật cột sống

Tại Hội thảo “Ứng dụng hệ thống T2 Altitude trong chấn thương cột sống và thay thân đốt sống nhân tạo” tổ chức tại BV Bạch Mai ngày 18/10, TS Du cho biết, hệ thống định vị không gian 3 chiều đã được ứng dụng tại BV Bạch Mai từ cuối năm 2016. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên các bác sĩ kết hợp hệ thống này với thân đốt sống nhân tạo T2 Altitude.

Các bác sĩ phẫu thuật thay thân đốt sống cho bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của định vị 3D. Ảnh: D.N
Các bác sĩ phẫu thuật thay thân đốt sống cho bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của định vị 3D. Ảnh: D.N

TS Du giới thiệu về ca bệnh đầu tiên, can thiệp cho bệnh nhân Lại Thị Hồng Hạnh (42 tuổi, Thái Bình). Bệnh nhân vào khoa Chấn thương chỉnh hình trong tình trạng cơ thể suy kiệt, nặng 30-35 kg.

Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân tổn thương thân đốt sống 11, 12 và cột sống ngực, lao cột sống khiến bệnh nhân đau rất nhiều, khiến bệnh nhân tê yếu 2 chân không thể đi lại.

Với tình trạng bệnh nhân này, nếu không phẫu thuật sẽ không giải quyết được dứt điểm tình trạng của người bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật cột sống liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương dây chằng xung quanh, chỉ sai số 1 mm thôi là vị trí cần can thiệp đã đi rất xa.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ vừa phải đảm bảo sự an toàn, tránh làm tổn thương thêm cho tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu gây liệt, mất máu … vừa phải xử lý được tổn thương (thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, dị dạng, u đốt sống, chấn thương …) đồng thời tái tạo lại cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu thay thế như nẹp vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo, nẹp silicon.

Vì thế, phương án tốt nhất được tính đến cho bệnh nhân là sử dụng phương pháp T2 Altitude với hệ thống định vị 3 chiều trong chấn thương cột sống và thay thân đốt sống nhân tạo.

Từ chỗ không thể tự đi lại, đến nay sau 1 tháng phẫu thuật, kết hợp điều trị thuốc lao, bệnh nhân hiện đã tiến triển rất nhiều, có thể tự ngồi dậy và đi lại. Tuy nhiên phần tổn thương đốt sống do lao vẫn còn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

TS Du giải thích thêm, hình ảnh không gian 3D với độ phân giải cao, toàn diện hơn, chính xác hơn và tăng cường độ chính xác và an toàn cho các bác sĩ phẫu thuật. Với cánh tay linh động có thể mở ra và tự động đồng bộ hóa với hệ thông định vị trong phẫu thuật (Navigation), định vị 3 chiều đã thay đổi mô hình cho phẫu thuật cột sống.

Nhờ đó sẽ tăng độ chính xác của vị trí bắt vít cột sống, làm giảm tỷ lệ phẫu thuật lại do bắt sai vị trí; Giúp cho bác sĩ phẫu thuật áp dụng các kỹ thuật ít xâm lấn làm giảm tổn thương mô, giảm sử dụng của thuốc và đau hậu phẫu, rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân…

Bên cạnh đó, thân đốt sống nhân tạo có thể mở rộng T2 Altitude với tính năng căng giãn tại chỗ, kết cấu chặt chẽ và dễ dàng lắp đặt, được các chuyên gia đánh giá là một giải pháp tối ưu cho trục trước cột sống.

Trong phẫu thuật cột sống, T2 Altitude được chỉ định trong các trường hợp chấn thương gãy thân đốt sống vùng lưng ngực; Mất vững – xẹp đốt sống do loãng xương; Nhiễm trùng lao thân đốt sống; U cột sống ngực, cột sống cổ, lưng…

Hồng Hải