1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tương lai bệnh tật "bủa vây" vì đồ uống có đường

Nam Phương

(Dân trí) - Trung bình một người Việt đang tiêu thụ 46,5g đường một ngày, gần gấp đôi mức khuyến nghị để có lợi hơn cho sức khỏe của WHO. Đường tự do trong đồ uống có đường hầu như không có giá trị về dinh dưỡng.

Gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường

Chia sẻ tại hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm gần đây, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do. 

Đường tự nhiên không tính là đường gây hại cho sức khỏe, trong khi đó đường thêm vào hay đường tự do là đường được thêm vào thực phẩm, đồ uống trong quá trình chế biến, sản xuất. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g tương đương với 5 thìa cà phê đường) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. 

Tương lai bệnh tật bủa vây vì đồ uống có đường - 1

"Tuy nhiên, chỉ cần uống 1 lon nước ngọt 300ml là chúng ta đã nạp vào cơ thể 30-40g đường. Những lon nước này hoàn toàn không có chất dinh dưỡng gì ngoài đường. Như vậy, chỉ uống 1 lon nước ngọt lượng đường đã vượt ngưỡng khuyến cáo ở mức có lợi cho sức khỏe", TS Diễm phân tích.

Hiện nay trung bình một người Việt tiêu thụ 46,5g đường mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị. 

Theo WHO, gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Hiện có bằng chứng mạnh mẽ liên quan giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân béo phì, tăng nguy cơ sâu răng, đái tháo đường túyp 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư. 

Nó cũng gây ra gánh nặng cho cá nhân và xã hội do tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.  

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa đồ uống có đường và bệnh tim, nhất là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Một nghiên cứu trên thế giới với sự tham gia của 40.000 nam giới trong hai thập kỷ cho thấy những người uống trung bình 1 lon đồ uống có đường/ngày có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc chết vì nhồi máu cơ tim cao hơn 20% so với những người hiếm khi uống đồ uống có đường.

Ngoài ra, tiêu thụ 1-3 lon đồ uống có đường/ngày tăng 51% axit uric, tiêu thụ hơn 1 lon đồ uống có đường/ngày tăng 22% nguy cơ tăng huyết áp. 

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cũng cho biết thêm, Trên toàn thế giới, ước tính có hơn 14 triệu ca tử vong sớm (trước 70 tuổi) vì các bệnh không lây nhiễm. Như vậy, chúng ta mất đi những năm sống quan trọng quý giá của con người. 

Con số này chiếm đến 43%, gần một nửa tổng số tử vong do bệnh không lây nhiễm. Các nước đang phát triển chiếm gánh nặng chính của các ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó có Việt Nam. 

Theo ông, có 5 yếu tố nguy cơ hành vi chính dẫn đến các bệnh không lây nhiễm, trong đó bên cạnh thuốc lá, rượu bia còn phải kể đến vấn đề dinh dưỡng không hợp lý như sử dụng đồ uống có đường, tiêu thụ nhiều muối… 

"Các rối loạn chuyển hóa vẫn tăng lên, vẫn lầm lũi tiến lên, vì thế, chúng ta cần các biện pháp can thiệp để giảm mạnh hơn nữa", ThS Lâm nhấn mạnh. 

Tương lai bệnh tật bủa vây vì đồ uống có đường - 2

Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Bên cạnh thuốc lá, rượu bia, Bộ Tài chính đang đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. 

Tương lai bệnh tật bủa vây vì đồ uống có đường - 3

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Ảnh: Nhật Bắc).

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết, tương tự như thuốc lá và rượu bia, đồ uống có đường cũng là những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần làm cho giá các sản phẩm này đắt hơn để không khuyến khích tiêu thụ. Ngày càng có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy khi đặt thuế ở mức đủ cao sẽ tác động đến tiêu dùng. 

"Đồ uống có đường rất có hại cho sức khỏe. Việc tiêu thụ đồ uống có đường không mang lại bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào", đại diện WHO nhấn mạnh. 

Ông Mark Goodchild, chuyên gia kinh tế WHO tại Việt Nam, cho biết: "Trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, chúng tôi nhận thấy gánh nặng các bệnh không lây đang gia tăng. Một trong các nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Đây là lý do tại sao chúng tôi khuyến nghị các biện pháp can thiệp nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ đó, đặc biệt là việc tiêu thụ quá nhiều đường". 

Chuyên gia này một lần nữa nhấn mạnh, đường tự do trong đồ uống có đường hầu như không có giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên các sản phẩm này lại được tích cực quảng bá và tiếp thị cho giới trẻ, một trong những nhóm có nguy cơ cao nhất mắc các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn trong tương lai. 

Vì vậy, trong số các gói giải pháp can thiệp nhằm hạn chế các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống, ông khuyến nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường để thực sự giải quyết các yếu tố nguy cơ này. 

Tương tự như thuốc lá, rượu bia, việc tăng thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh này là biện pháp giảm tiêu dùng hiệu quả nhất. 

"Chúng tôi cũng đã có khuyến nghị Việt Nam triển khai áp dụng thuế với đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn trong tương lai", chuyên gia này phân tích. 

Theo ông, với việc đánh thuế đối với đồ uống có đường, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm lành mạnh hơn. Điều này có thể kích thích ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, tạo thêm việc làm và tăng trưởng tương tự như các lĩnh vực khác của nền kinh tế. 

Một số quốc gia khác có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp cải tiến các sản phẩm của mình để đưa ra các sản phẩm có hàm lượng đường thấp hơn và ít tác hại hơn. 

Ông cho rằng đây thực sự là thời điểm tốt nhất để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở Việt Nam.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang chứng kiến gánh nặng ngày càng gia tăng do các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Điều này thể hiện qua tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang tăng nhanh ở người trưởng thành ở Việt Nam.

"Vì vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể đóng vai trò rất quan trọng như một biện pháp phòng ngừa. Việt Nam có cơ hội ngăn chặn nhiều bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống trong tương lai và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường sẽ là một phần trong gói can thiệp đó", ông Mark Goodchild chia sẻ.