Tung hứng trẻ nhỏ - Ân hận cả đời
(Dân trí) - Người anh 11 tuổi lỡ sảy tay khi tung hứng em 3 tuổi rồi giấu không cho mẹ biết. Một tháng sau, bé mới được đưa đi bệnh viện thì đã quá muộn. Và giờ cô em ấy đã 39 tuổi nhưng hoàn toàn nằm một chỗ, mắt mù, chỉ biết khóc khi đói, đau...
Chuyện xảy ra đã 36 năm nhưng hậu quả vẫn đeo bám gia đình bà Nguyễn Thị Lắm, ở phường 11, quận Bình Thạnh đến tận bây giờ. Nhà nghèo, lại có đến 8 người con, bà Lắm hằng ngày bán rau ngoài chợ nên để cho lũ trẻ tự trông nom nhau.
Bỗng một ngày bà thấy đứa con gái 3 tuổi, tên là Hồng có dấu hiệu như bị động kinh, bèn hỏi thăm hàng xóm thì mới hay biết về tai nạn xảy ra với con bé. Trước đó 1 tháng, trong lúc chơi đùa cùng em, người con thứ 5 của bà (bấy giờ 11 tuổi) tung hứng cô em gái, chẳng may bị sảy tay khiến em rơi xuống đất. Vì sợ mẹ la rầy nên cậu bé giấu nhẹm chuyện này.
Bà Lắm đưa con vào BV Nhi Đồng 1 khám, phát hiện Hồng bị chấn thương sọ não. Nhưng vì được điều trị quá trễ nên sau thời gian 6 tháng, bệnh viện trả về với kết luận “bị bại não”.
Bà Lắm kể: “Con bé từ từ yếu đi, không còn nhận thức được mọi việc, chỉ nằm một chỗ, chân tay co rút. 5 năm sau nó bị mù thêm hai con mắt. Bây giờ hễ đau, đói, hay bị con gì cắn, nó chỉ biết khóc mà thôi”. Nỗi ân hận cứ dai dẳng trong lòng người mẹ và anh trai, dù sự việc xảy ra đã lâu.
Cách đây 5 tháng, BV Nhi Đồng 2 TPHCM cũng tiếp nhận trường hợp bé L.N.N (10 tháng tuổi) bị vỡ sọ não do người cha tung hứng bé trúng cái quạt trần. Bác sĩ cho biết vết chém từ cánh quạt rất sâu nhưng vẫn còn chút may mắn là chưa ảnh hưởng đến não.
Vào tháng 6, thêm một trẻ nữa là bé Nguyễn Văn Tuấn, 3 tháng tuổi ở Hậu Giang cũng bị tổn thương não do bị cha ruột ném xuống đường trong lúc gia đình xảy ra mâu thuẫn. Sau gần hơn 1 tháng điều trị tích cực, Tuấn được xuất viện nhưng vẫn phải tái khám định kỳ đề phòng di chứng.
Bé N. và bé Tuấn đều có vết thương dễ nhận biết và được cấp cứu kịp thời. Còn trường hợp như chị Hồng, sau khi té ngã đập vào đầu không có vết thương bên ngoài nhưng để đề phòng biến chứng thì gia đình vẫn nên theo dõi tiếp. Khoa Ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy TPHCM đưa ra 8 dấu hiệu cần theo dõi sau khi bị chấn thương vùng đầu đối với cả trẻ em và người lớn như sau:
1. Tình trạng lúc tỉnh, lúc mê
2. Ngủ mê gọi không thức dậy
3. Ói mửa nhiều lần
4. Nhức đầu dữ dội.
5. Giật tay chân
6. Giật kinh phong
7. Sưng lớn nơi da đầu
8. Lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong
Khi có 1 trong 8 các dấu hiệu trên, gia đình cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
Hồng Nhung