Từ vụ bé 4 tuổi suýt mất mạng do ăn mía, chuyên gia chỉ rõ những điều cần tránh khi ăn
Được biết, phần mía bé ăn có vệt đỏ nằm ở giữa thân, mặc dù nhìn thấy vệt đỏ này, nhưng cho rằng mía đỏ giống như thanh long tâm đỏ sẽ ngọt thơm, mềm và dễ ăn hơn nên không ai ngăn cản.
Vừa qua, cháu bé (4 tuổi, Trung Quốc) nguy kịch vì bị suy đa tạng sau khi ăn mía có vết đỏ. Điều không ai ngờ rằng, mía là đồ ăn vặt tưởng rằng an toàn nhất nhưng lại suýt cướp đi tính mạng của đứa trẻ.
Được biết, phần mía bé ăn có vệt đỏ nằm ở giữa thân, mặc dù nhìn thấy vệt đỏ này, nhưng cho rằng mía đỏ giống như thanh long tâm đỏ sẽ ngọt thơm, mềm và dễ ăn hơn nên không ngăn cản.
Tuy nhiên, khi về tới nhà, cháu bé có biểu hiện buồn nôn, nôn, co giật tay chân, mắt trợn ngược… Gia đình vội vã đưa bé tới bệnh viện. Tại đây, bác sĩ phát hiện bệnh nhân suy đa tạng nên lập tức đưa vào phòng hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến đứa trẻ khỏe mạnh bỗng chốc nguy kịch chính bởi cây mía có vệt đỏ bé ăn trước đó. Phần vệt đỏ đó chính là do bị nhiễm khuẩn Arthrobacter saccharomyces, có thể tạo ra axit 3 - nitropropionic. Đây là chất độc thần kinh có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây co giật, phù não, phù phổi, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu mía có lõi đỏ chính là mía độc, tuyệt đối không nên ăn. Ngoài ra, nếu ruột mía có màu đen ở lõi cũng không nên ăn vì lúc này mía bị nhiễm sâu đục thân.
4 điều cần tuyệt đối tránh khi dùng nước mía
Không uống nước mía để lâu
Nước mía nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không tốt là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, người uống vào có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc.
Ngoài ra, nước mía có tính lạnh và hàm lượng đường cao nên nếu bảo quản quá lâu trong tủ lạnh có thể gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, chỉ nên uống nước mía mới ép, còn nước để lâu tốt nhất không nên dùng.
Không uống khi muốn giảm cân
Lượng đường trong nước mía chiếm 70%, còn lại là chất béo, đạm và bột. Vì vậy, nước mía cung cấp rất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng, dễ gây tăng cân, béo phì. Những người đang muốn giảm cân và người có nguy cơ bị tiểu đường cũng không nên uống nước mía.
Không uống khi đang dùng thuốc
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu thì không nên uống nước mía, bởi các loại thuốc này sẽ cản trở tác dụng của policosanol, khiến công dụng của nó trở nên vô nghĩa.
Không dùng nhiều khi mang thai
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm rất nhiều chất từ các nguồn thực phẩm khác nhau, trong khi thành phần cơ bản của nước mía là đường. Nếu nạp quá nhiều đường trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, gây ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và bé.
Ngoài ra, những người có đường ruột yếu, hay đầy bụng, đi lỏng không nên uống nước mía thường xuyên.