1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tử vong vì bệnh dại gặp nhiều ở trẻ em

(Dân trí) - PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh dại do bị súc vật nhiễm dại cắn có tỷ lệ tử vong cao ở lứa tuổi trẻ, đặc biệt là trẻ em. Trong số 131 trường hợp tử vong do bệnh dại năm 2007 có 38% là trẻ em dưới 15 tuổi.

Tại lễ mít tinh nhân ngày Phòng chống bệnh dại thế giới (28/9), với chủ đề "Hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh dại", PGS.TS Trịnh Quân Huấn cho biết thêm: "Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng nửa triệu người bị chó cắn đến tiêm phòng dại tại 936 điểm tiêm trên cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2008, tuy bệnh dại đã giảm 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ghi nhận 38 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại 5 tỉnh: Tuyên Quang, Gia Lai, Yên Bái, Nghệ An và Phú Thọ.

Còn trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 55.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tức là trung bình cứ 10 phút thì có 1 người tử vong. Trẻ em chịu nhiều nguy cơ nhất từ căn bệnh này vì trẻ em dễ bị chó cắn và dễ bị cắn nhiều. Đây cũng là căn bệnh có tỷ suất chết cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm.

Theo PGS.TS Đinh Kim Xuyến, Phó chủ nhiệm thường trực dự án Phòng chống bệnh dại (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh có thể hoàn toàn chủ động phòng tránh được, không có dại ở chó, mèo thì không có dại ở người. Tuy nhiên tại nước ta, với hơn 7 triệu con chó nhà nuôi nhưng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở chó chỉ đạt từ 20 - 40% nên đây là nguồn truyền dại cho người nhiều nhất (95 - 97%).

"Đáng nói, trong số những người bị chó, mèo cắn, ít người quan tâm, theo dõi súc vật đã cắn người đó và cũng không quan tâm đến việc tiêm phòng dại khi bị súc vật cắn. Ngoài ra, nhiều khi bị chó mèo cắn, họ lại đi tìm thầy lang để chữa thuốc nam. Trong khi nhiều nghiên cứu của ngành y tế khẳng định thuốc nam không thể chữa được bệnh dại", TS Xuyến nói.

Không chỉ bị lây truyền vi rút dại do bị xúc vật cắn mà những người làm nghề giết mổ chó, bắt chó, cán bộ thú y, người chữa bệnh chó mèo… cũng rất dễ bị nhiễm vi rút dại nếu da xây xát…

Bà Xuyến khẳng định: "Khi đã nhiễm dại, nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến tử vong. Biện pháp duy nhất để cứu những người bị súc vật dại cắn là tiêm phòng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại. Người dân có thể tiêm chủng dự phòng trước khi bị nhiễm vi rút dại và tiêm điều trị dự phòng sau khi bị nhiễm vi rút dại. Như thế sẽ giảm đi đáng kể tỉ lệ hơn 90% tử vong do không tiêm phòng dại.

"Nếu không có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự phát triển bệnh dại ở đàn chó thì đến năm 2010, nước ta chẳng những không khống chế được bệnh dại trên người màsố người tử vong do bệnh dại sẽ lên tới ít nhất là 400 người/năm", TS Xuyến cảnh báo.

Tại buổi mít-tinh với thông điệp "Hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh dại", đại diện của tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu sáng kiến của các quốc gia ASEN+3 hướng tới việc loại trừ bệnh dại khỏi khu vực vào năm 2020.

PGS.TS Trịnh Quân Huấn cho rằng, để phòng tránh bệnh dại cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền về bệnh dại; đồng thời tăng cường các điểm tiêm phòng dại, đặc biệt là các tỉnh có số người tử vong cao, hướng dẫn cách chăm sóc kịp thời và hợp lý các vết cắn do động vật gây ra.

Khi bị chó mèo cắn, người dân trước tiên cần rửa vết thương bằng xà phòng và nước, theo dõi con vật, tìm hiểu con vật đã từng được tiêm phòng dại đầy đủ hay chưa. Dù con vật đó đã tiêm nhưng có biểu hiện bất thường như ốm, mệt, bỏ ăn…thì cần phải đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng bệnh dại. Nhất là bị chó mèo hoang cắn, người dân cần phải tiêm phòng để ngừa nguy cơ nhiễm vi rút dại. Khám bệnh ngay sau khi bị cắn và trước khi phát bệnh để có thể ngăn chặn nhiễm dại và phòng ngừa bệnh dại có hiệu quả.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm