Tử vong sau làm đẹp ở diepclinic: Bất thường chứng chỉ hành nghề của bác sĩ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chủ cơ sở thẩm mỹ diepclinic (TPHCM) xảy ra sự việc tử vong sau khi làm đẹp được Bình Thuận cấp chứng chỉ hành nghề ngoại khoa, nhưng việc cấp phép này có dấu hiệu bất thường.

Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã có báo cáo gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và UBND TPHCM về 2 trường hợp tử vong sau khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ trong các ngày đầu tháng 12 vừa qua.

Tử vong sau khi thoa kem tê da?

Cụ thể vào ngày 7/12, Sở Y tế nhận được thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 về việc 2 bệnh nhân nữ tử vong sau khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận Tân Phú và quận 1 và đã tiến hành khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc.

Trong đó liên quan đến vụ việc bệnh nhân T.N.P.U., Thanh tra Sở Y tế phối hợp cùng công an đã tiến hành kiểm tra cơ sở diepclinic tại địa chỉ 320/18 Độc Lập, phường Tân Quý (quận Tân Phú). Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận có Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh, ngành nghề dịch vụ săn sóc da do bà Diệp Yến Linh làm chủ.

Tử vong sau làm đẹp ở diepclinic: Bất thường chứng chỉ hành nghề của bác sĩ - 1

Cơ sở thẩm mỹ diepclinic, quận Tân Phú, TPHCM (Ảnh: Website TMV).

Theo Sở Y tế, bà Linh có Chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh Ngoại khoa (số 4558/BTH-CCHN do Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cấp ngày 28/5/2019), Chứng chỉ đào tạo liên tục do BV Da liễu TPHCM cấp về ứng dụng laser và ánh sáng trong da liễu, kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc da.

Ngoài ra chủ cơ sở còn có Chứng chỉ đào tạo do Trường Đại học Y dược TPHCM cấp đã hoàn thành khóa học Định hướng chuyển khoa Da liễu.

Tại cơ sở có các máy laser, thuốc, lọ kem gây tê, mỹ phẩm chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Cơ sở có thực hiện kỹ thuật laser nhưng chưa có Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Sở Y tế yêu cầu cơ sở ngừng ngay các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn liên quan đến y tế.

Theo giải trình của chủ cơ sở, bệnh nhân U. là khách hàng cũ, từ ngày 16/11 đã điều trị mụn và thâm da được 3 lần. Chiều ngày 7/12, bà U. tiếp tục điều trị theo liệu trình cũ, được thoa kem gây tê phần mặt, lưng, mông để thực hiện laser. Khoảng 30 phút sau khi thoa kem thì bệnh nhân bị co giật. Cơ sở đã tiến hành cấp cứu, gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân vào BV Nhân dân 115 và sau đó bệnh nhân tử vong.

Sở Y tế đã tiến hành niêm phong hồ sơ bệnh án đối với trường hợp nêu trên để phục vụ cho công tác điều tra.

Tử vong sau làm đẹp ở diepclinic: Bất thường chứng chỉ hành nghề của bác sĩ - 2

Bệnh viện Nhân dân 115, nơi cấp cứu cuối cùng của chị U. (Ảnh: Biên Thùy).

Dấu hiệu bất thường trong "Xác nhận thực hành 18 tháng"

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo BV Nhân dân 115 cho biết, ngay sau khi bệnh nhân tử vong ngày 7/12, BV đã báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng, đồng thời thi thể bệnh nhân U. cũng được bàn giao ngay cho Trung tâm Giám định pháp y TPHCM để khám nghiệm.

Tuy nhiên khi Sở Y tế TPHCM báo cáo sự việc cho Bộ Y tế ngày 21/12 (tức 2 tuần sau đó) chỉ có giải trình từ chủ cơ sở diepclinic mà chưa thấy kết luận giám định nguyên nhân tử vong từ pháp y.

Một bác sĩ có kinh nghiệm hơn 10 năm hành nghề thẩm mỹ nội khoa cho biết, khả năng biến chứng nặng sau khi bôi tê vùng da là không quá cao, vì để thuốc tê bôi ngấm vào da phải trải qua một thời gian, lúc này độc tính của thuốc cũng giảm xuống.

Thay vào đó, bác sĩ cho rằng có một trường hợp khác dễ gây tai biến thẩm mỹ nặng hơn. Đó là việc sử dụng thuốc tê dạng tiêm khi khách hàng thực hiện tiêm filler.

Tại Việt Nam, từ trước đến nay chưa ghi nhận trường hợp biến chứng do bôi tê da khi làm đẹp nào dẫn đến mất mạng.

Ngoài ra, dù là thẩm mỹ viện và chủ cơ sở chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề ngoại khoa, nhưng trên trang web của diepclinic lại liên tục quảng cáo các phẫu thuật thẩm mỹ như gọt hàm, nâng ngực, độn cằm, nâng mũi... Hiện trang web của cơ sở này đang tạm đóng.

Phản hồi câu hỏi của PV xoay quanh việc cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ Diệp Yến Linh, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, theo hồ sơ bà Linh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Sau đó, bác sĩ này về thực hành 18 tháng tại khoa Ngoại của Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh, từ ngày 15/11/2017 đến 15/5/2019 và được lãnh đạo đơn vị này xác nhận.

Vì vậy, hồ sơ của bác sĩ Linh đủ để cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh ngoại khoa, chưa đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ.

Tuy nhiên vào tháng 3/2018, bác sĩ Diệp Yến Linh theo học lớp ứng dụng laser và kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc da tại TPHCM. Lớp này kéo dài nhiều tuần, và tuần nào cũng phải thực tập tại chỗ.

Do đó, việc Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh xác nhận thực hành ngoại khoa 18 tháng liên tục cho bác sĩ Linh là rất khó hiểu và có dấu hiệu bất thường.

Tử vong sau làm đẹp ở diepclinic: Bất thường chứng chỉ hành nghề của bác sĩ - 3

Bác sĩ Diệp Yến Linh học khóa đào tạo nhiều tuần về làm đẹp tại TPHCM trong thời gian được xác nhận thực hành 18 tháng ngoại khoa ở Bình Thuận.

Qua tìm hiểu, bác sĩ Diệp Yến Linh hiện đang theo học năm cuối CK1, chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM). Bác sĩ này chưa có bằng chuyên khoa, nhưng đã quảng cáo trên mạng giống như bác sĩ đủ điều kiện hành nghề.

Phóng viên đã liên hệ ông Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để tìm hiểu về động thái xử lý của nhà trường sau sự cố chết người tại cơ sở thẩm mỹ Diep Clinic do bác sĩ Diệp Yến Linh làm chủ. Theo đó, ông Hiệp đề nghị PV nhắn lại câu hỏi chi tiết để phối hợp trả lời, nhưng đến nay sau nhiều ngày, những thắc mắc, câu hỏi đặt ra của PV dành cho lãnh đạo trường vẫn "rơi vào im lặng, bặt vô âm tín".

Liên quan đến vụ việc bệnh nhân H.T.N. tử vong sau khi làm đẹp tại thẩm mỹ viện Vera (quận 1), ngày 8/12, cơ quan chức năng đã đến kiểm tra tầng 4 căn nhà địa chỉ số 104 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 do bà Lê Thị Huyền Trang thuê mặt bằng làm cơ sở thẩm mỹ.

Tử vong sau làm đẹp ở diepclinic: Bất thường chứng chỉ hành nghề của bác sĩ - 4

Thẩm mỹ viện Vera, quận 1, TPHCM.

Bệnh nhân H.T.N. được xác định là học viên tại cơ sở từ ngày 20/11. Ngày 5/12, qua tư vấn bệnh nhân được nâng mũi, hút mỡ bụng tại cơ sở thẩm mỹ nêu trên do Bà Lê Thị Huyền Trang trực tiếp thực hiện với chi phí là 15 triệu đồng.

Bà Trang có nhờ ông Nguyễn Ngọc Tú (có bằng bác sĩ do Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên cấp ngày 19 tháng 6 năm 2019) thực hiện gây mê.

Sau khi thực hiện, bệnh nhân về nhà nhưng trở nặng, được thân nhân đưa vào cấp cứu và tử vong tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Hiện vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Quận Tân Phú và Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an quận 1 thụ lý.