Tử vong sau khi bị chó cào
(Dân trí) - Bị chó cào xước da tay nhưng không xử lý vết thương cũng không đi tiêm ngừa, 6 tháng sau, người đàn ông phát bệnh dại tử vong.
Đó là trường hợp của ông T.V.P. (36 tuổi, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Khai thác bệnh sử, trước đó vào ngày 29 và 30/12/2022, 4 người trong gia đình nạn nhân bị chó nuôi tại nhà (chưa tiêm vaccine phòng dại) cào và cắn. Sau đó, vợ và 2 người con ông P. đã đi tiêm vaccine.
Riêng người đàn ông thấy chó chỉ cào xước da ở cổ tay, không chảy máu nên không xử lý vết thương, cũng không tiêm ngừa bệnh dại. Con chó sau khi cào cắn 4 người trong gia đình ông P. đã được tiêu hủy.
Đến ngày 12/7 (tức khoảng 6 tháng sau) ông P. xuất hiện triệu chứng chán ăn, nôn ói, đau cơ, sợ gió nước và ánh sáng, tức ngực, khó thở. Rạng sáng ngày 13/7, ông L. được đưa vào một bệnh viện tại Đồng Nai. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại thể não GERD/viêm da cơ địa.
Vì tình trạng nặng, ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để tiến hành theo dõi và điều trị. Đến ngày 14/7, gia đình xin đưa bệnh nhân về vì không còn khả năng cứu chữa. Bệnh nhân sau đó tử vong tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, địa phương đã xảy ra rất nhiều trường hợp bị chó mèo tấn công, gây nguy cơ mắc bệnh dại.
Thông thường, thời gian ủ bệnh dại sau khi bị động vật mắc bệnh dại cắn, virus vào trong cơ thể người có thể kéo dài đến 1 năm. Dù vậy, y văn đã ghi nhận những trường hợp ủ bệnh dại đến 19 năm, sau đó mới phát bệnh và gây tử vong.
"Người mắc bệnh dại từ khi vào viện đến khi mất tri giác vẫn còn tỉnh táo và hợp tác tương đối tốt. Nhưng sau cơn hoảng loạn tăng kích thích cực độ, bệnh nhân tiến triển nhanh chóng đến ngưng tim, ngưng thở đột ngột.
Với một bệnh nhân vẫn đang tỉnh táo, mình biết trước họ sẽ tử vong sau đó nhưng không làm gì được, cảm giác rất bất lực, đau xót" - bác sĩ Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ.
Các bác sĩ cảnh báo, chó mèo không chỉ cắn mới gây bệnh dại mà việc liếm vào vết thương, cào cấu cũng là ngõ vào của virus dại. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả người và động vật.
Vì vậy, khi bị súc vật dại hoặc nghi ngờ bệnh dại tấn công (nhất là ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục), người dân phải rửa ngay vết thương bằng xà phòng, dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng từ 10-15 phút hay nước muối, bôi chất sát khuẩn....
Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng, tiêm vaccine. Tuyệt đối không không tự ý dùng thuốc nam hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.