Tử vong do bệnh dại gấp gần 2 lần sốt xuất huyết

(Dân trí) - Trong những tháng qua bệnh sốt xuất huyết căng thẳng trong cả nước với hơn 125 nghìn ca mắc, 29 trường hợp tử vong là rất đáng báo động. Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác với bệnh dại khi đã có 56 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm diễn ra chiều 14/9, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc nhở các địa phương, bên cạnh việc phòng chống dịch SXH cũng cần chú ý tuyên truyền, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm khác như tay chân miệng, dịch do chó dại cắn.

“Bệnh dại tưởng tưởng chừng rất đơn giản vì có vắc xin phòng bệnh dại trên người, trên động vật nhưng số ca tử vong trong 9 tháng đầu năm đã lên đến 56 trường hợp, xảy ra ở 29 tỉnh thành phố, tương đương số ca tử vong của năm 2016. Đáng tiếc nhất, bệnh dại là có thể phòng ngừa, nếu 56 bệnh nhân này được dự phòng bắc vắc xin thì đã cứu được tính mạng người bệnh”, GS Long nói.

GS Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, bên cạnh việc phòng chống SXH cần tập trung chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt bệnh dại đã gây ra 56 cái chết thương tâm cho người dân. Ảnh: H.Hải
GS Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, bên cạnh việc phòng chống SXH cần tập trung chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt bệnh dại đã gây ra 56 cái chết thương tâm cho người dân. Ảnh: H.Hải

Bởi với bệnh dại, khi đã lên cơn dại thì 100% sẽ không qua khỏi. Những cái chết vì bệnh dại rất thương tâm, người bệnh bị sợ gió, sợ nước, vật vã, kích thích, khó thở, hơi thở rít lên từng hồi... nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, biết mình sẽ chết.

Những nguy cơ này hoàn toàn được phòng ngừa, nếu chủ động đi tiêm phòng sớm khi bị chó mèo cắn. Còn khi đã lên cơn dại, sẽ không còn bất cứ một cơ hội nào cho người bệnh.

Tại Việt Nam mỗi năm có từ 240-300 trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm và trong suốt 5 năm qua, con số tử vong do bệnh dại luôn chiếm ở mức cao, với những cái chết thương tâm.

“Vì thế, việc tập trung tăng cường tuyên truyền, phòng chống bệnh dại là rất quan trọng, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng cao vốn là trọng điểm của dịch bệnh này. Phải tăng cường truyền thông giáo dục, dự phòng dại từ đàn chó, mèo. Nếu không có bệnh dại trên đàn chó, mèo thì sẽ không có bệnh dại trên người,”, GS Long chỉ đạo.

Chuyên gia Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên mạo hiểm chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.

Vắc xin phòng bệnh dại hiện nay rất tốt, không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm