1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tư vấn về nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ

(Dân trí) - ThS. BS Lâm Minh Hiếu, Phó trưởng phòng khám BV Tâm Thần TPHCM đã có buổi nói chuyện, tư vấn cho các bệnh nhân về nguyên nhân và hệ lụy của chứng rối loạn giấc ngủ vào ngày 19/7, tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM (cơ sở 2, quận 7).

 
Rối loạn giấc ngủ: hệ quả khó lường

Không chỉ người cao tuổi mà nhiều người ở độ tuổi trung niên, thanh niên cũng đến tham dự buổi nói chuyện về "Rối loạn giấc ngủ" tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM (ảnh: Hoa Lê)

Theo BS Lâm Minh Hiếu, rối loạn giấc ngủ gồm: rối loạn giấc ngủ và giấc ngủ thất thường. Trong đó, rối loạn giấc ngủ là sự biến đổi về số lượng, chất lượng và thời gian giấc ngủ, bao gồm: mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.

Mất ngủ được gọi là rối loạn giấc ngủ khi xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, trong ít nhất 1 tháng. Ngủ nhiều chia làm 3 loại: ngủ rũ, ngủ nhiều nguyên phát và hội chứng ngừng thở. Ngủ rũ là một tình trạng bệnh lý thần kinh mãn tính, bệnh nhân đi sâu vào giấc ngủ mà không cưỡng lại được. Ngủ nhiều nguyên phát là khi bệnh nhân ban đêm ngủ rất nhiều nhưng ban ngày vẫn buồn ngủ. Còn rối loạn nhịp thức ngủ là hiện tượng mất đồng bộ nhịp thức ngủ, bệnh nhân thường tỉnh giấc bất thường trong giấc ngủ.

Giấc ngủ thất thường là có vấn đề bất thường xảy ra trong giấc ngủ. Trẻ con sẽ quấy khóc, mê sảng, mộng du (thường gặp nhất ở trẻ 12 tuổi, tỉ lệ mộng du chiếm 15% trẻ em và nam nhiều hơn nữ). Người lớn khi ngủ thường gặp ác mộng, hoảng sợ (khoảng 50% người lớn gặp ác mộng và nữ nhiều hơn nam 2-4 lần).

BS Hiếu cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rối loạn giấc ngủ là do: stress trong công việc, trong cuộc sống; khủng hoảng tâm lý, tình cảm; môi trường sống bị ô nhiễm tiếng ồn; sự biến đổi nội tiết tố, hoóc-môn, do tuổi tác; dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,...

Điều nguy hại là rối loạn giấc ngủ sẽ làm giảm trí nhớ, khó tập trung, giảm khả năng lao động... nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới tim mạch như: tăng huyết áp, suy tim, đột tử trong đêm, tai biến mạch máu não, đặc biệt là hội chứng ngưng thở trong khi ngủ (bệnh nhân ngưng thở khoảng 20-40 giây trong giấc ngủ), trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Rối loạn giấc ngủ: hệ quả khó lường
ThS. BS Lâm Minh Hiếu khuyên: khi có các dấu hiệu khó vào giấc ngủ, thường xuyên thức giấc nửa đêm, thức dậy vẫn thấy mệt mỏi và buồn ngủ thì phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn (ảnh: Hoa Lê)

Để có giấc ngủ tốt, theo BS Hiếu, cần đảm bảo ba yếu tố: sinh học, tâm lí và môi trường.

Về sinh học, bệnh nhân cần thường xuyên tập thể dục và ăn những thức ăn có lợi cho giấc ngủ như: hải sản, hạt sen, ngũ cốc, mật ong, atiso, trà hoa cúc tự nhiên,...

Thường xuyên tập luyện yoga và thiền đúng cách để có tâm lí thoải mái cũng giúp dễ ngủ và ngủ ngon. Nên đọc sách, nghe nhạc hoặc ngâm mình trong nước ấm để thư giãn trước khi ngủ.

Môi trường (điều kiện) ngủ phải đảm bảo: yên tĩnh, nơi ngủ phải tối hoặc dùng ánh sáng vàng nhẹ; sử dụng liệu pháp mùi hương tự nhiên cho phòng ngủ (để vỏ cam, lá dứa trong phòng ngủ,...); tránh nằm sấp và nằm như thai nhi, tốt nhất nên ngủ ở tư thế nghiêng.

BS Hiếu cũng nhắc nhở: nếu thực hiện các điều trên mà vẫn không cải thiện giấc ngủ thì mọi người đừng chần chừ nữa, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác.

Hồng Nhung