Tự khám trái tuyến cấp cơ bản, người bệnh có được hưởng 100% BHYT?
(Dân trí) - Một trong những điểm mới của nghị định số 2 là quy định lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở y tế cấp cơ bản, với mức hưởng 50%, 100% tùy theo thời điểm.
Ngày 1/1, Chính phủ đã ban hành nghị định số 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đã được sửa đổi, bổ sung.
Nghị định số 2 có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, nghị định quy định lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở y tế cấp cơ bản, không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, không đúng quy định về chuyển người bệnh như sau:
- Tại cơ sở mới thành lập được xếp cấp cơ bản đạt số điểm dưới 50 điểm hoặc được tạm xếp cấp cơ bản, người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú được quỹ BHYT thanh toán 100% mức hưởng từ ngày 1/1.
- Tại cơ sở cấp cơ bản đạt số điểm từ 50 điểm đến dưới 70 điểm, người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng từ ngày 1/1/2026.
- Tại cơ sở cấp cơ bản mà trước ngày 1/1 đã được xác định là tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương hoặc tương đương tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương, người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng từ ngày 1/7/2026.
- Tại cơ sở cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1 đã được xác định là tuyến tỉnh hoặc tương đương tuyến tỉnh, người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng từ ngày 1/7/2026.
Theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), các quy định lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở y tế cấp cơ bản đã góp phần cụ thể hóa các quy định tại điểm e và điểm h khoản 4 điều 22 của Luật BHYT.
Quy định này từng bước giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tăng tỷ lệ hưởng của người tham gia BHYT từ ngày 1/7/2026 khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp cơ bản (hiện nay là cơ sở tuyến tỉnh) lên 50%.
Quy định về việc thanh toán BHYT khi đi khám theo yêu cầu
Nghị định này cũng bổ sung quy định đối với trường hợp người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu:
- Người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định tại điều 22 của Luật BHYT.
Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ BHYT do người bệnh thanh toán cho cơ sở y tế.
- Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, thiết bị y tế, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Cơ sở cũng phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT, phần chi phí chênh lệch và phải thông báo trước cho người bệnh.
Quy định nêu trên nhằm bảo đảm tính công khai minh bạch thông tin về chi phí trong và ngoài phạm vi quyền lợi của người bệnh, giúp người bệnh hiểu rõ các chi phí trong phạm vi hưởng của người bệnh và chi phí mà người bệnh cần phải trả.
Nghị định này cũng sửa đổi, bổ sung điều 15 về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Cụ thể:
- Bổ sung, quy định cụ thể các giấy tờ mà người tham gia BHYT phải xuất trình thêm trong trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh gồm căn cước, căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
- Bổ sung quy định sử dụng căn cước hoặc căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đã tích hợp thông tin về thẻ BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh.
- Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trong trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh.
Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
Vụ Bảo hiểm y tế cho biết, quy định này bảo đảm tính thuận tiện, người bệnh có thể chỉ cần đọc duy nhất mã số BHYT hoặc số căn cước và không phải mang theo bất cứ giấy tờ gì vì đã tích hợp hết trên định danh điện tử.
Điều này giúp giảm thời gian cho người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thể hiện rõ việc cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.