1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải thưởng Thành tựu trọn đời Nhân tài Đất Việt:

Tự hào về nền y tế Việt Nam

(Dân trí) - Chia sẻ cảm xúc ngay khi được tôn vinh, nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ, rất tự hào về nền y tế Việt Nam.

Ảnh: Hữu Nghị
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cùng lên trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược cho PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Thứ trưởng Bộ Y tế với Công trình Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam
 
Công trình “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì được trao thưởng Thành tự trọn đời lĩnh vực Y dược không chỉ khẳng định thành công của Việt Nam trong lĩnh vực y khoa điều trị hiếm muộn mà các kỹ thuật này đã mang lại niềm hạnh phúc vỡ òa cho không biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn. Cũng qua công trình này, BV Phụ sản TƯ đã chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán và điều trị vô sinh cho nhiều bệnh viện trong cả nước, đem lại cơ hội nhiều hơn cho các cặp vợ chồng muộn đường con cái.

Xin được chúc mừng PGS.TS Nguyễn Viết Tiến và công trình nghiên cứu của ông đã được trao thưởng Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược tại Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2013. Khi được xướng tên lên bục vinh quang, cảm xúc của ông như thế nào?

Lúc này, tôi đan xen rất nhiều cảm xúc. Vui mừng, hạnh phúc vì đề tài do tôi và các đồng nghiệp cùng thực hiện đã ứng dụng thành công vào thực tế, giúp hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muốn được hưởng niềm vui, hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ. Hạnh phúc, tự hào vì những kỹ thuật y tế của Việt Nam (không chỉ riêng TTON) mà nhiều kỹ thuật khác Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới và trong khu vực.

Thụ tinh ống nghiệm bắt đầu được thực hiện tại BV Phụ sản TƯ từ năm 2000 và tỉ lệ TTON thành công ngày càng tăng lên, thậm chí cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, ông đánh giá như thế nào về thành công này?

Về kỹ thuật TTON, so với Thái Lan, tỉ lệ thành công của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Ngay cả với Singapore, tỉ lệ TTON tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản Trung ương) cũng đạt thành công cao hơn, ở mức trung bình 50%, có tháng con số báo cáo thành công lên tới 60%. Trong khi ở các nước này, tỉ lệ vào khoảng 40%. Thàn công cao là vậy, nhưng chi phí lại chỉ bằng 1/10 so với các nước. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn của Việt Nam có thể ước mơ hóa hiện thực của mình, mong ngóng một mụn con.

Thành công này, cũng giúp chúng tôi, những người làm ngành y thêm tự hào về trình độ tay nghề của các bác sĩ Việt Nam. Dân gian có câu con hơn cha, thế hệ sau còn làm tốt hơn, sáng tạo hơn thế hệ trước. Qua lĩnh vực y học này càng thấy đúng. Thực tế, các kỹ thuật y tế mà Việt Nam thực hiện (TTON, ghép gan, ghép tim, điều trị ung thư…) chẳng kém gì các nước phát triển, thậm chí có những kỹ thuật sáng tạo hơn mà đồng nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, nhìn thấy chúng ta thực hiện những kỹ thuật đó thì họ rất khâm phục, bởi kết quả đạt được quá tốt mà trước đó họ nghĩ trong điều kiện của Việt Nam chúng ta không thể thực hiện được như vậy.

Riêng trong lĩnh vực chữa vô sinh, TTON, nội soi Việt Nam còn thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp quốc tế. Tại BV Phụ sản TƯ, thường xuyên có các đồng nghiệp nước ngoài sang học hỏi kinh nghiệm. Tay nghề, trình độ, kỹ thuật, sự sáng tạo của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước, ngang bằng, có những kỹ thuật nổi trội, chúng ta chỉ khó khăn hơn các nước về điều kiện, trang thiết bị.

Thưa ông, hiện vẫn có xu hướng người bệnh tìm ra nước ngoài chữa trị vì thiếu sự tin tưởng về ngành y tế nước nhà. Cá nhân ông, vừa là một người làm công tác chuyên môn, vừa là một nhà quản lý, ông có thể nói gì để người dân tin tưởng vào nền y tế Việt Nam?

Như tôi đã nói, các kỹ thuật y tế, Việt Nam không thua kém các nước bạn. Thực tế đã chứng minh điều đó, nhiều người Việt ra nước ngoài chữa trị, nhưng vì nhiều lý do, rồi cả chi phí đã quay về Việt Nam được điều trị và thành công. Ngay trong lĩnh vực chữa vô sinh, một số trường hợp cũng sang nước ngoài điều trị, trường hợp thành công, trường hợp tay trắng trở về và phải trả khoản chi phí rất đắt đỏ so với Việt Nam.

Tôi mong người bệnh hãy tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ. Nhưng những người làm công tác y tế của Việt Nam cũng cần nâng cao trách nhiệm, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ. Với người bệnh, cần giải thích cặn kẽ cho người bệnh và nên chọn những phương pháp tối ưu nào cho người bệnh, bởi cùng một bệnh có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, có lúc dùng ngoại khoa, có lúc dùng nội khoa… do đó các bác sĩ cần trau rồi đầy đủ kiến thức của mình, để nắm vững các phương pháp điều trị, lựa chọn kỹ thuật nào cho phù hợp nhất, tốt nhất với người bệnh chứ không phải chọn kỹ thuật nào là thế mạnh của mình.

Sau khi BV Phụ sản TƯ làm thành công kỹ thuật TTON đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều đơn vị khác như Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân y, hướng dẫn cho bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Thanh Hóa, BV Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh)… Hiện nay Trung tâm hỗ trợ sinh sản BV Phụ sản TƯ là lớn nhất cả nước về số lượng bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm và tỷ lệ làm thành công cũng cao nhất, từ 50 - 60%.Không chỉ thành công với kỹ thuật TTON mà nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, phẫu thuật nối vòi tử cung đều được thực hiện rất hiệu quả tại BV Phụ sản TƯ. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật Việt Nam làm được nhưng các nước khác chưa thực hiện được, như kỹ thuật nuôi phôi dài ngày, kỹ thuật phôi thoát màng, kỹ thuật sinh thiết để chẩn đoán phôi trước khi làm tổ (phát hiện phôi tốt hay phôi có gen bệnh lý)…

Hồng Hải (thực hiện)