Tự garo - Thủ thuật y khoa dễ gây tai biến!

(Dân trí) - Sau thông tin về trường hợp của bé gái bị hoại tử chân do rắn hổ mèo cắn, nhiều bạn đọc có ý kiến trái chiều về việc nên garo hay không nên. Dưới đây là trả lời của PGS. TS. BS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tự garo - Thủ thuật y khoa dễ gây tai biến! - 1


“Trước đây (và hiện nay vẫn còn một số tài liệu) hướng dẫn sơ cứu ban đầu rắn cắn (đặc biệt là khi đã biết đó là rắn độc) một trong các biện pháp sơ cứu là garo để ngăn ngừa độc tố của rắn theo máu trở về tim và đến các cơ quan khác.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt garo khó có thể thực hiện được: Khi garo phải đảm bảo máu từ tĩnh mạch không về được nhưng máu động mạcch vẫn phải đi được đến các cơ quan. Muốn vậy thì áp lực garô phải ở một mức vừa phải. Vì khó xác định được áp lực garô (hoặc không biết nguyên tắc này) nên thường nạn nhân bị garo xiết chặt quá làm thiếu máu nuôi đến phần cơ thể bị garo (đầu chi chẳng hạn) nên thường gây hoại tử khi thời gian garô kéo dài”, PGS. TS. BS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết.

Hậu quả của việc garô không đúng cách xảy ở bất kỳ loại rắn nào chứ không chỉ rắn độc vì nó là tai biến của thủ thuật này, không liên quan đến rắn. Một số rắn độc có nọc gây hoại tử thì hậu quả càng nặng nề hơn, bệnh nhân có thể sẽ bị tháo khớp hoặc cắt cụt chân tay.

Vì thế, nên sơ cứu bằng cách bất động và băng ép chi bị rắn cắn để tránh làm cho nộc độc lan đi khắp cơ thể và đưa ngay nạn nhân (cùng với con rắn, nếu bắt được) đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách.

Vân Sơn