1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tự bắt cóc nướng ăn, 4 trẻ nhập viện cấp cứu

(Dân trí) - Tối 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 4 bệnh nhi (5-7 tuổi) nhập viện sau khi ăn thịt cóc, nặng nhất là bé trai 5 tuổi có biểu hiện nôn nhiều, lơ mơ, nhịp tim chậm.

Theo gia đình, 4 trẻ ở gần nhà (5-7 tuổi) tự chơi với nhau, tự bắt cóc để nướng và ăn. Trẻ nói do bắt chước theo các video đã xem được trên điện thoại. Sau khi ăn khoảng một tiếng, trẻ xuất hiện nôn nhiều, gia đình phát hiện nên đã đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để cấp cứu.

Tự bắt cóc nướng ăn, 4 trẻ nhập viện cấp cứu - 1
Tự chế biến thịt có có thể gây ngộ độc.

Ths.BS Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong 4 bệnh nhi nhập viện, có 2 trẻ ăn phần thịt đùi cóc không có biểu hiện ngộ độc lâm sàng nên được theo dõi. Một bé ăn đầu cóc thì nôn nhiều ra dịch màu nâu đen, tim mạch ổn định nên có chỉ định truyền dịch và bơm rửa dạ dày. 

Bệnh nhi nặng nhất là bé Bàn V.H. (5 tuổi), trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nhập viện trong tình trạng buồn nôn, nôn nhiều, lơ mơ, nhịp tim chậm 60 lần/phút, phổi thông khí kém…

Với trường hợp này, kíp trực cấp cứu khoa Nhi đã lấy máu xét nghiệm, điện giải đồ, điện tim…, do nhịp tim trẻ chậm nên đã chỉ định hút dịch dạ dày một chiều, không bơm rửa, tránh trường hợp ngừng tim, truyền dịch, dùng thuốc nâng nhịp tim… 

Tiên lượng đây là ca rất nặng nên các y bác sĩ đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị và theo dõi.

Bác sĩ khuyến cáo thịt cóc chứa hàm lượng đạm cao và không có độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố nguy hiểm gây chết người là tetrodotoxin. Độc tố này có trong da, gan, trứng, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin-một chất cực độc, dễ gây chết người (kể cả khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy, khi ăn phải gây ngộ độc nặng nề).

Ngộ độc độc tố từ cóc tùy từng mức độ có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 1 giờ hoặc sớm hơn (nhất là nếu nạn nhân có uống rượu, bia), bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân. Tiếp theo là nôn mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp; rồi các triệu chứng giống như bệnh suy tim có thể xuất hiện như loạn nhịp tim, co thắt cơ tim... Nạn nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ.

Thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều đạm, kẽm, vitamin… Tuy nhiên, nếu không biết cách chế biến, nguy cơ ngộ độc và tử vong rất cao. Vì thế, tốt nhất là loại thịt cóc ra khỏi danh sách thực phẩm của gia đình. Nếu lỡ dính chất nhầy bài tiết của cóc vào tay, mắt, miệng..., nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch. 

Khi gặp người bị ngộ độc cóc, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.

Nam Phương