Truyền thuốc qua mẹ chữa rối loạn nhịp tim thai nhi thành công
(Dân trí) - PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đã chữa thành công 3 trường hợp thai nhi bị rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ thực hiện truyền thuốc qua mẹ để chữa thai nhi.
Ngày 12/5, tại Lễ ký kết hợp tác giữa Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Dược Hà Nội, PGS Trần Danh Cường cho biết, xu hướng can thiệp điều trị nội khoa cho thai nhi ngay khi còn nằm trong bụng mẹ ngày càng phát triển.
Trước đây, với những thai nhi có rối loạn nhịp tim thường phải đợi khi trẻ sinh ra mới tiến hành điều trị. Vì thế, đa phần thai có rối loạn nhịp thường phải mổ lấy thai sớm, sinh non tháng. Việc vừa chăm sóc một bé sinh non, điều trị thêm bệnh lý rất phức tạp.
Trong khi đó, điều trị nội khoa cho thai nhi qua bà mẹ mang lại thành quả tốt. Đến nay Bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị thành công 3 trường hợp, thai nhi ổn định, giữ được đủ tuổi thai, thậm chí có trường hợp còn được sinh thường.
"Tuy nhiên, điều trị thai nhi qua mẹ, với bệnh lý rối loạn nhịp này, việc sử dụng chuẩn liều thuốc cho bà mẹ rất quan trọng. Đây là những thuốc ức chế nhịp tim rất nguy hiểm, nếu sử dụng không chuẩn liều, không đánh giá được dư lượng có ảnh hưởng bà mẹ không có thể gây nguy hại cho thai phụ", PGS Cường nói.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, những rủi ro này sẽ càng được kiểm soát tốt hơn, nhờ sự hợp tác với Trường Đại học Dược trong lĩnh vực dược lâm sàng bệnh viện. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia sẽ giúp công tác dược tại bệnh viện, sử dụng thuốc tại bệnh viện chuẩn chỉ, đúng liều lượng, không lãng phí, vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả điều trị tốt cho người bệnh.
PGS Cường lấy dẫn chứng thêm về việc điều trị tiền sản giật, chỉ định magie sulfat để ngăn ngừa sản giật, ngăn tử vong mẹ. Tuy nhiên, nếu liều không chuẩn, nồng độ magie sulfat trong máu có thể khiến bà mẹ ngộ độc, gây ngừng thở, ngừng tuần hoàn.
"Vì thế, các bác sĩ rất sợ điều trị tiền sản giật. Dù chúng tôi đã khuyến cáo điều trị cụ thể liều lượng, nhưng nhiều nơi vẫn dè dặt vì sợ nguy cơ. Lúc này, sự phối hợp với chuyên môn dược sẽ giúp kiểm soát các nguy cơ này", PGS Cường nói.
Tương tự, việc pha chế, chỉnh liều thuốc cho trẻ sơ sinh theo từng lạng cũng được thực hiện chuẩn chỉ, mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm tác hại của thuốc cho trẻ.