Truyền thông về an toàn thực phẩm cần minh bạch, trách nhiệm

(Dân trí) - "Mất niềm tin vào chất lượng và an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến hệ thống thực phẩm ở Việt Nam. Chúng ta cần có chiến lược tốt hơn trong truyền thông nguy cơ để hạn chế vấn đề này".

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Đại diện Khu vực Đông và Đông Nam Á – Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tại hội thảo báo chí với chủ đề: “Truyền thông về an toàn thực phẩm và sức khoẻ - Xử lý tin nhiễu, tin giả” do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 19/12.

Truyền thông về an toàn thực phẩm cần minh bạch, trách nhiệm - 1

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam.

Tình trạng thông tin về an toàn thực phẩm thiếu chính xác còn nhiều

Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết, các chủ đề liên quan đến an toàn thực phẩm luôn được được truyền thông và công chúng đón nhận và quan tâm đặc biệt. Tác động quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm là điều rất dễ nhận thấy.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thông tin về an toàn thực phẩm thiếu chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí thông tin phục vụ mục đích vụ lợi. Nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đã bị thổi phồng, bị giải thích sai lệch, bịa đặt, giả mạo, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang trong xã hội.

"Báo chí phải có trách nhiệm to lớn trong việc thông tin chính xác, khoa học, đồng thời nhận diện và phản bác những thông tin sai lệch, tin nhiễu, tin giả trong vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người dân có kiến thức để lựa chọn thực phẩm tiêu dùng, tự chăm lo cho sức khỏe cá nhân" - ông Lợi nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Anastasia Bodnar – Cố vấn Khoa học cao cấp (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA) đã trình bày cách phân biệt hai khái niệm quan trọng trong đánh giá an toàn thực phẩm, dược phẩm và các sản phẩm nông nghiệp đó là “Risk” – “Rủi ro (hay còn gọi là “Nguy cơ”)“Hazard” – “Mối nguy hại”.

Các mối nguy hại (Hazard) là tất cả những thứ có tiềm ẩn gây hại; các “mối nguy hại” xảy ra “rủi ro” trong “điều kiện phơi nhiễm nhất định (exposure) bao gồm mức độ thường xuyên, thời lượng và số lượng.

Việc phân biệt này có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tính an toàn thực phẩm, giúp kiểm soát các sản phẩm chúng ta sử dụng một cách an toàn, vừa tận dụng được các lợi ích vừa hạn chế được các tác động không mong muốn.

Truyền thông về an toàn thực phẩm cần minh bạch, trách nhiệm - 2

Tiến sỹ Anastasia Bodnar – Cố vấn Khoa học cao cấp (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA)

Tiến sỹ Anastasia Bodnar cho rằng, công chúng thường hay bỏ qua những rủi ro gây hại của một số sản phẩm mà họ cảm thấy thân thuộc như hút thuốc hay ăn không đủ trái cây, rau quả trong khi lại lo sợ “thái quá” với những thứ họ cho là không tự nhiên như như thực phẩm biến đổi gen (BĐG), thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Theo báo cáo năm 2016 “Quản lý Nguy Cơ An toàn thực phẩm tại Việt Nam: Những Cơ hội và thách thức” xuất bản bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ ra: Nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm cấp tính tại Việt Nam theo báo cáo là do nhiễm khuẩn, cao hơn so với nhiễm bẩn hoá chất.

Tiến sỹ Trần Thị Tuyết Hạnh - Giảng viên Sức khoẻ Môi trường, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ, Trường đại học Y tế công cộng chia sẻ:Rất khó có thể đánh giá toàn diện gánh nặng bệnh tật cấp tính và mãn tính đối với các bệnh truyền qua thực phẩm. Nếu xét về ảnh hưởng sức khoẻ mãn tính thì việc lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp như thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa là những nguy cơ rất đáng quan tâm.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy nguyên nhân chính gây ra các bệnh cấp tính truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật. Nhiễm bẩn vi sinh vật có thể dự phòng và xử lý thông qua áp dụng các biện pháp vệ sinh trong toàn bộ chuỗi thực phẩm.”

Truyền thông về an toàn thực phẩm cần minh bạch, trách nhiệm - 3

Tiến sỹ Nguyễn Hải Chung – Học viện Báo chí Tuyên truyền trình bày về “tin giả, tin nhiễu” tại Việt Nam.

Khó kiểm soát tin giả, tin nhiễu về an toàn thực phẩm

Trong bài trình bày về “tin giả, tin nhiễu” tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Hải Chung – Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết: Vấn đề về an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng là nơi xảy ra nhiều tin giả và tin nhiễu phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu thông qua mạng xã hội Facebook.

Sức mạnh và mức độ sức lan toả của các trang mạng xã hội trực tuyến - nơi mỗi người tham gia đều có thể là một nhà báo, một chuyên gia đã khiến cho việc lan truyền các tin giả, tin nhiễu này khó kiểm soát hơn. Một số nhà báo cũng gặp khó khăn trong việc xác định và tiếp cận với các nguồn tin khoa học chính thống, đáng tin cậy và điều này cũng khiến cho sự kết nối của công chúng với các nguồn tin này bị hạn chế.”

Tiến sỹ - Bác sỹ Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam chia sẻ: “Một trong những thông tin nhiễu phổ biến nhất liên quan tới thực phẩm biến đổi gen đó là một nghiên cứu vào năm 2015 cho rằng ăn các thực phẩm này sẽ tăng nguy cơ ung thư.

Ngay sau khi phát hành, đã có rất nhiều bằng chứng khoa học và bài viết chính thống bác bỏ kết luận này; bản thân báo cáo này đã bị rút sau đó nhưng chúng ta vẫn thấy cho tới hôm nay, thông tin này vẫn được chia sẻ và được nhiều người tin. Hay các chủ đề liên quan tới phản đối vắc xin cũng là một dẫn chứng khác của tin giả”.

Truyền thông về an toàn thực phẩm cần minh bạch, trách nhiệm - 4

Các diễn giả tại hội thảo

Minh bạch - trách nhiệm  là nhiệm vụ của nhà khoa học, nhà báo

Một chủ đề quan trọng khác được thảo luận tại hội thảo đó là “Risk Communication” – Truyền thông về rủi ro (hay còn gọi là Truyền thông nguy cơ).

Các diễn giả cho rằng giải pháp cung cấp thông tin khoa học, xây dựng kiến thức cộng đồng về sức khoẻ và an toàn thực phẩm một cách đúng hướng - minh bạch đồng thời chủ động kiểm soát tin giả, tin nhiễu bao gồm: thực thi cơ chế chính sách khoa học liên quan tới đánh giá và quản lý an toàn thực phẩm và đẩy mạnh truyền thông về rủi ro/nguy cơ.

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, quy trình pháp lý theo chuẩn quốc tế, dựa vào nền tảng khoa học và đánh giá dựa trên nguyên tắc rủi ro (nguy cơ) sẽ là tiền đề quan trọng giúp loại bỏ các sản phẩm thuốc không còn phù hợp và đẩy nhanh việc giới thiệu các sản phẩm tiên tiến hơn đến với nông dân, giúp tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và phong phú hơn.

Thêm vào đó, đẩy mạnh truyền thông về rủi ro/ nguy cơ vừa là một hướng giúp phát triển thực thi pháp lý; đồng thời cũng giúp phổ biến thông tin khoa học tới cộng đồng, xây dựng niềm tin và để họ có đủ thông tin chính xác để lựa chọn, sử dụng và kiểm soát thực phẩm một cách an toàn và có lợi.

Theo ông Hùng: “Mất niềm tin vào chất lượng và an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến hệ thống thực phẩm ở Việt Nam. Chúng ta cần có chiến lược tốt hơn trong truyền thông nguy cơ để hạn chế vấn đề này.

Truyền thông nguy cơ cần được làm tốt xuyên suốt trong quá trình đánh giá và quản lý nguy cơ và cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nhà nước có liên quan và các chủ thể có liên quan ATTP để truyền tải thông điệp an toàn thực phẩm thiết thực và mạch lạc tới công chúng, tránh việc gây hoang mang và mất lòng tin của người dân đối với an toàn thực phẩm như hiện nay.” 

Hồng Hạnh