Gia Lai:
Trường học “dừng dạy” vì dịch tay chân miệng lan rộng
(Dân trí) - Dịch tay chân miệng đang lan rộng rất nhanh trên địa bàn huyện Ia Grai và một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Ia Grai đã ghi nhận hơn 40, trong đó trường Mầm non 1/5 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đã có 35 trường hợp.
“Nóng” dịch tay chân miệng
Tuy sáng thứ 2 đầu tuần, nhưng trường Mầm non 1/5 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) vẫn đang cho học sinh nghỉ do dịch tay chân miệng lây lan nhanh.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn-Hiệu trưởng trường mầm non 1/5 cho biết: “Trường bắt đầu phát hiện 2 ca nhiễm bệnh tay chân miệng đầu tiên vào ngày 1/10 với dấu hiệu sốt nhẹ và nổi mụn ở chân, tay. Nhà trường đã ngay lập tức thông báo cho phụ huynh học sinh và Trạm y tế xã.
Những ngày sau đó, chúng tôi đã tích cực theo dõi và báo cáo 2 lần/ngày để cập nhật tình hình dịch bệnh về cơ quan chức năng. Đồng thời, thực hiện phun thuốc Cloramin B hằng ngày. Dù đã tích cực dọn vệ sinh và phun thuốc dập dịch nhưng số học sinh nhiễm bệnh vẫn liên tục tăng nhanh. Tính đến hôm nay đã có 35/277 học sinh của trường mắc bệnh”.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát nhanh và phức tạp, UBND huyện đã có Công văn yêu cầu Trường Mầm non 1/5 đóng cửa trường 10 ngày kể từ ngày 12/10 đến hết ngày 19/10 nhằm cách ly, điều trị và tổ chức phát động tổng vệ sinh toàn trường.
Sau khi đóng cửa trường học, Ban Giám hiệu trường Mầm non 1/5 đã huy động 100% giáo viên thực hiện tổng dọn vệ sinh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, phối hợp cùng với Trạm y tế xã theo dõi tình hình dịch bệnh để có hướng xử lý kịp thời. Hầu hết phụ huynh đều tích cực phối hợp với nhà trường và địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Bà Trần Thị Vịnh (Thôn Hưng Bình, xã Ia Yok) lo lắng: “Sau khi được cô giáo thông báo cháu nội 3 tuổi của tôi có dấu hiệu nhiễm bệnh tay chân miệng với biểu hiện bị mọc mụn và ngứa khắp cơ thể, gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viên Binh đoàn 15. Hiện tại, cháu đã nghỉ học và được gia đình chăm sóc, theo dõi theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Mong sao cháu nhanh hết bệnh”.
Ông Nguyễn Văn Huyên-Trưởng trạm Y tế xã Ia Yok cho biết: “Xã đã có 39 ca mắc bệnh tay chân miệng tại các thôn: Chư Hậu 4, Chư Hậu 5, Thái Hà, Hưng Bình, Lập Thành, Tân Hợp. Hiện nay, có 7 học sinh bị nhiễm bệnh nặng đã được khám tại Bệnh viện Binh đoàn 15, trong đó có 1 em đang phải nằm điều trị nội trú với dấu hiệu sốt cao. Số ca mắc bệnh còn lại được hướng dẫn điều trị tại nhà. Tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tăng nhanh. Chỉ trong sáng nay, qua rà soát, trên địa bàn xã lại phát hiện thêm 4 ca nhiễm bệnh.”.
Tích cực theo dõi diễn biến dịch bệnh
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện Ia Grai đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đóng cửa Trường Mầm non 1/5 để cách ly, điều trị nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong do dịch gây ra.
Ông Trương Thế Vinh-Trưởng phòng Y tế huyện Ia Grai cho biết: “Hiện Trung tâm Y tế huyện đang theo dõi sát dịch bệnh, liên tục cập nhật diễn biến và báo cáo về UBND huyện trước 16 giờ hằng ngày. Các cơ sở khám chữa bệnh phân công người trực để kịp thời phát hiện và điều trị đúng phác đồ. Tuyệt đối không để chủ quan, bị động hoặc không để xảy ra tử vong do bệnh tay chân miệng.
“Đối với các trường học đứng chân trên địa bàn, khi phát hiện dịch bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn giám sát, xử lý kịp thời để hạn chế lây lan. Đồng thời, trường phải duy trì giám sát tại nhà các ca bệnh; tổng vệ sinh dụng cụ, đồ chơi, lớp học, sàn nhà. Trung tâm y tế và Trạm Y tế các xã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn các gia đình vệ sinh cá nhân, chăm sóc, điều trị các ca nhiễm bệnh”-ông Vinh cho hay.
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng, ngày 9-10, UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến chỉ đạo Sở Y tế và các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; khoanh vùng, xử lý triệt để, không để bùng phát thành dịch. Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị, hóa chất, bố trí giường bệnh, chuẩn bị nhân lực phù hợp để sẵn sàng phòng chống dịch, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018, chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả.
Tại Gia Lai, từ đầu năm đến ngày 1-10-2018, cả tỉnh ghi nhận 175 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (chưa có tử vong) ở 15/17 huyện, thị xã, thành phố. Dự báo trong các tháng cuối năm 2018, tình hình mắc bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh quyết liệt, triệt để.
Phạm Hoàng