1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trong một tuần, 2 trẻ tử vong vì chó dại cắn

(Dân trí) - Chỉ trong vòng một tuần, 2 em bé (12 tuổi và 9 tuổi) được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng kích thích, sợ gió, sợ nước…vì đã lên cơn dại, không có cách gì cứu chữa.

PGS. TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cho biết, trong tuần qua, cả hai cháu bé đều vào viện khi đã lên cơn dại, bệnh nhi rất tỉnh táo nhưng hoảng sợ, nói ngắt quãng, khó thở, co rít thanh quản.

Trong một tuần, 2 trẻ tử vong vì chó dại cắn - 1

“Nhìn thấy cảnh người bệnh lên cơn dại, vật vã, kích thích, khó thở, sợ nước, sợ gió, hơi thở rít lên từng hồi... nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, biết mình sẽ chết, Bác sĩ, người nhà đều đau lòng bởi thấy chết mà không thể cứu được. Bởi khi đã bị lên cơn dại sẽ không có cách gì cứu chữa được, bệnh nhân sẽ chết vì suy hô hấp do co thắt thanh quản. Chỉ mong quay ngược lại thời gian, để họ đi tiêm phòng, tránh được cái chết vì bệnh dại", một bác sĩ điều trị chia sẻ.

Theo đó, bé 12 tuổi (dân tộc Mường, sống tại Hòa Bình) tử vong sau một tuần vào viện và trường hợp cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) tử vong chỉ nửa ngày nhập viện.

Đáng nói, cả hai gia đình đều không biết con mình bị chó cắn. Trường hợp cháu bé 12 tuổi ở Hòa Bình, sau khi bị chó cắn, 13 ngày con chó chết.

Còn cháu bé 9 tuổi ở Lạng Sơn, nhiều khả năng bị chính chó trong gia đình cắn. Bởi gia đình em đang có chó mẹ và đàn chó con. Sau khi chó mẹ biểu hiện ốm, gia đình đã bán chó mẹ đi và giữ lại đàn chó con. Trong quá trình chơi đùa, chăm sóc đàn chó con, em bé đã bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.

Đừng mạo hiểm chờ đợi!

TS Huy cho biết, thời gian phơi nhiễm vi rút dại, ủ bệnh khác nhau ở mỗi người. Có những người sau 20 – 30 ngày bắt đầu lên cơn dại, có những người lâu hơn mới biểu hiện. Đa phần, khi vết thương chó cắn đã liền da, người bệnh vẫn bình thường nên càng chủ quan không nghĩ là chó dại cắn. Đến khi lên cơn dại, sợ gió, sợ nước thì mọi chuyện đã quá muộn, không còn cách gì cứu chữa.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không may bị chó cắn, thì nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Nếu đến lúc đấy mà con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên mạo hiểm chờ đợi bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần cắn người mới phát bệnh. Đợi đến lúc này mới tiêm thì quá mạo hiểm, bởi rất có thể vi rút dại đã phát tác, khi đó vắc xin không còn có tác dụng. Nhất là hiện nay, vắc xin phòng bệnh hiện không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây

Các bác sĩ lưu ý, chó dại có các biểu hiện khác nhau. Có những con biểu hiện rất hung dữ, chạy lung tung cắn nhiều người và các con vật khác, mắt long sòng sọc, chảy nhiều rớt dãi (thể hung dữ). Nhưng cũng có những trường hợp chó ốm vì vi rút dại lại chỉ nằm ủ rũ ở chỗ tối, không ăn uống, hoặc có thể bị tiêu chảy…

Vi rút dại được truyền qua vết cắn, vết cào, vết liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương. Vì vậy nhiều trường hợp không bị chó cắn nhưng vẫn bị dại trong quá trình chăm sóc, tiếp xúc với vật nuôi, chó liếm trên da...

Do thời gian ủ bệnh dài nên các trường hợp bị nhiễm vi rút dại nhưng chưa có triệu chứng dại vẫn nên đi tiêm vắc xin phòng dại để tạo miễn dịch trước khi vi rút dại xâm nhập hệ thần kinh trung ương.

Các bác sĩ cũng lưu ý, khi chó, mèo ốm, có biểu hiện không bình thường phải nhốt cách ly theo dõi, khi tiếp xúc phải có dụng cụ bảo vệ. Rất nhiều người chủ quan nghĩ chó nhà không mắc bệnh dại, dùng tay không chăm sóc, cho chó uống thuốc... nguy cơ rất lớn.

Người dân cũng không nên bán hoặc di chuyển chó, mèo ốm, nghi dại, không giết thịt chó, mèo ốm để giảm nguy cơ lây truyền.

Đặc biệt, cần tiêm vắc xin phòng dại định kỳ cho chó, mèo để tạo miễn dịch bảo vệ cho chó không bị bệnh dại. Khi không có bệnh dại trên đàn chó, mèo sẽ không thể gây bệnh cho người.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm