Trời Hà Nội lại phủ bụi mịn, chuyên gia đề nghị người dân hạn chế đi lại ngoài đường
(Dân trí) - Theo TS.BS Hoàng Thanh Vân, Tổng Thư ký Hội Phổi Việt Nam, tình trạng gia tăng bụi mịn trong không khí là yếu tố tác động nhiều đến bệnh hen, phổi tắc nghẽn mãn tính và tất cả các bệnh đường hô hấp.
Chiều 13/9, tại buổi họp báo chương trình "Vì lá phổi khoẻ" diễn ra tại Hà Nội, TS.BS Hoàng Thanh Vân, Tổng thư ký Hội Phổi Việt Nam cảnh báo những người có tiền sử mắc các bệnh hô hấp, người bệnh hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính phải rất thận trong trong những ngày bụi mịn, ô nhiễm môi trường gia tăng.
"Ô nhiễm môi trường, không chỉ ảnh hưởng hen và phổi tắc nghẽn mãn tính mà tất cả các bệnh đường hô hấp khác. Như với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nguy cơ lớn nhất là do hút thuốc lá, tuy nhiên có tới 1/3 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không hút thuốc, người ta nói đến sự liên quan đến nguy cơ ô nhiễm môi trường với bệnh lý này", TS Vân cho biết.
Ngoài yếu tố bụi mịn, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, TS Vân cũng cảnh báo những tập quán, thói quen của người dân như nấu bếp than, nấu rơm rạ... cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến tắc nghẽn mãn tính.
Vì thế, để giảm thiểu tốt nhất nguy cơ ảnh hưởng bởi bụi mịn trong không khi, người dân hạn chế việc đi lại ngoài đường; khi đi lại cần sử dụng khẩu trang để phòng ngừa xâm nhập bụi vào đường hô hấp.
Tại buổi họp báo, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, khi ô nhiễm không khí đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe, đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp của tất cả mọi người, vì ai cũng phải hít thở. Các chất ô nhiễm có trong không khí sẽ đi qua đường qua đường hô hấp trên rồi xuống đường hô hấp dưới, vào đến các phế nang, từ đó khuếch tán vào trong máu và đi khắp cơ thể.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp rồi như những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải vào viện cấp cứu, và phải nhập viện, đáp ứng với điều trị kém đi.
Ngoài ra, nếu tiếp xúc lâu dài với nồng độ ô nhiễm trong không khí cao như vậy dẫn đến các bệnh lý khác vì trong không khí ô nhiễm có nhiều chất độc hại, gây ra các tổn thương khác ở phổi như viêm mạn tính, thậm chí là ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng tới cơ quan khác như tim mạch, những người đã có bệnh lý như hẹp động mạch vành dễ bị nặng lên, xuất hiện các cơn đau thắt ngực tăng lên.
Theo nghiên cứu, khi ô nhiễm không khí, tỷ lệ các bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý hô hấp và tim mạch tăng lên nhiều lần. Có 3 đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi ô nhiễm không khí là người già, trẻ em và những người mắc bệnh phổi, bệnh tim mạn tính.
WHO cho biết, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.
Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tại Việt Nam, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm ngày một lớn, bao gồm bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT).
Tại Việt Nam có 4,1% dân số mắc hen và 4,2% dân số bị phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong đó, chỉ gần 1/3 bệnh nhân hen được dùng thuốc điều trị kiểm soát, với 39,7% bệnh nhân kiểm soát hen tốt.
"Có đến 62,3% người bệnh lạm dụng thuốc giãn phế quản khi lên cơn hen. Điều này rất nguy hiểm, làm gia tăng số bệnh nhân mắc đợt cấp phải nhập viện, làm tăng chi phí điều trị. Đặc biệt với những bệnh nhân đợt cấp nặng, phải đặt nội khí quản thở máy sẽ vô cùng tốn kém, khả năng phục hồi rất lâu, thậm chí đe doạ tính mạng", GS Châu cho biết.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách về bệnh hô hấp như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi, đồng thời xây dựng năng lực cho hệ thống y tế để quản lý các bệnh này, chương trình Vì Lá Phổi Khỏe Châu Á được triển khai tại 9 quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam vào cuối năm 2017.
Đến nay đã có 65 đơn vị quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được thành lập, hơn 89 nghìn bệnh nhân cả hai nhóm bệnh được quản lý, hơn 11 nghìn bệnh nhân được nâng cao kiến thức, hơn 1400 chuyên viên y tế tham gia sinh học. Ngoài ra, đã có 68 máy đo hô hấp ký được bổ sung, đào tạo thêm nhiều bác sĩ được cấp chứng chỉ đo hô hấp ký...
Hồng Hải