Trò chuyện với người bệnh ung thư

ThS Nguyễn Hà My (BV Ung bướu Hà Nội)

(Dân trí) - Khi một người thân của bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và tâm sự với bạn, liệu bạn có thay đổi chủ đề không hay bạn sẽ giữ im lặng vì bạn sợ rằng mình sẽ nói sai điều gì đó?

Nếu vậy bạn cũng đừng lo lắng vì có rất nhiều người như bạn, cũng không biết phải trò chuyện như thế nào với người bệnh ung thư.

Trò chuyện với người bệnh ung thư - 1

Khi nói chuyện với người bệnh ung thư, điều quan trọng là chú ý lắng nghe. Hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của họ. Bạn không cần thiết phải làm sáng tỏ điều gì cả, cũng đừng phán xét hay cố gắng thay đổi cảm xúc hay hành động của người bệnh. Lúc này, bạn cần đặt cảm xúc và nỗi sợ hãi của mình sang một bên. Hãy để người bệnh biết rằng bạn luôn sẵn sàng trò chuyện bất cứ khi nào họ muốn. Hoặc nếu họ không muốn trò chuyện với bạn ngay lúc này thì cũng không sao, bạn vẫn sẵn sàng lắng nghe bất cứ khi nào họ cảm thấy cần tâm sự.

Vậy khi trò chuyện với người bệnh ung thư cần lưu ý những điều gì?

     - Để người bệnh dẫn dắt câu chuyện. Nếu họ muốn chia sẻ, bạn sẽ là người  lắng nghe, thấu hiểu. Hãy lắng nghe những gì người bệnh nói và cách họ nói.

     - Cố gắng quen với sự yên lặng để giúp người bệnh tập trung vào suy nghĩ của họ. Nếu bạn nói vì cảm thấy căng thẳng thì cuộc trò chuyện có thể trở nên không vui vẻ thậm chí khó chịu. Đôi khi sự yên lặng sẽ xoa dịu và giúp người bệnh diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của họ tốt hơn.

     - Duy trì giao tiếp bằng mắt. Điều này sẽ mang lại cho người bệnh cảm giác rằng bạn đang thực sự hiện diện và lắng nghe chăm chú

     - Chạm nhẹ, mỉm cười và ánh nhìn trìu mến sẽ xóa bỏ những rào cản do bệnh tật mang tới cho người thân của bạn.

     - Cố gắng đừng đưa ra những lời khuyên cho người bệnh. Rất khó để đưa ra được lời khuyên đúng đắn khi bạn không ở trong hoàn cảnh của người bệnh. Sẽ tốt hơn nếu bạn hỏi han và lắng nghe người bệnh thay vì khuyên bảo họ.

   - Đừng nói với người bệnh rằng “Tôi biết bạn cảm thấy như thế nào”. Điều này có thể khiến họ tức giận vì thực ra bạn không hề biết họ đang cảm thấy ra sao.

     - Nếu bạn muốn khóc thì hãy giải thích ngắn gọn cho người bệnh. Bạn có thể cần tránh đi một lúc cho đến khi bình tĩnh lại để người bệnh không phải an ủi dỗ dành bạn.

     - Người bệnh ung thư không phải lúc nào cũng muốn nghĩ hay nói về căn bệnh của họ vì việc này khiến họ cảm thấy rằng mình chỉ được biết đến là “người bệnh ung thư”. Cười vui và trò chuyện về những chủ đề khác sẽ giúp họ lạc quan và thấy dễ chịu hơn.

     - Làm cùng với người bệnh càng nhiều việc càng tốt. Nếu trước đây các bạn thường chơi bài cùng với nhau thì bây giờ hãy bắt đầu chơi lại. Nếu các bạn từng rủ nhau đi xem phim thì bây giờ hãy tiếp tục rủ nhau ra rạp chiếu phim hoặc cùng xem những bộ phim cả hai yêu thích ở nhà. Cố gắng quan sát và đánh giá mức độ thể lực và năng lượng của người bệnh để biết họ hoạt động được đến đâu. Đừng ngại hỏi người bệnh xem họ có cần nghỉ ngơi không. Cố gắng không chủ quan xem nhẹ những ảnh hưởng của bệnh tật đối với người bệnh, nhưng cũng đừng bảo bọc người bệnh quá mức. Hãy tiếp tục mời và khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động phù hợp cùng với người thân và bạn bè.

     - Hãy khuyến khích bạn bè và người thân đến thăm người bệnh. Họ có thể muốn giúp đỡ người bệnh và gia đình những việc  nhỏ trong nhà, nấu ăn hoặc hỗ trợ chăm sóc con cái của người bệnh. Nếu họ không thể đến tận nơi thì có thể nhờ họ viết thư hoặc gọi điện hỏi thăm người bệnh.

     - Đừng gián đoạn việc đến thăm người bệnh. Hãy biến nó thành việc cần làm mỗi tuần của bạn. Khi bị ung thư người bệnh có thể cảm thấy cô đơn và trở nên cô lập với thế giới xung quanh. Người bệnh sẽ không thể thường xuyên yêu cầu sự giúp đỡ vì thường thì chính họ cũng không biết chính xác điều gì thực sự có thể giúp họ. Vì vậy, hãy luôn giữ liên lạc với người bệnh.

     - Và quan trọng hơn hết, hãy là chính mình. Đừng lo lắng về việc bạn có đang trò chuyện đúng cách hay không. Bạn hãy nói những lời và làm những điều xuất phát từ trái tim mình. Yêu thương và quan tâm chân thành là những điều quan trọng nhất mà bạn thể hiện và bày tỏ khi trò chuyện với người bệnh ung thư.

Khi đến thăm người bệnh ung thư

 Một vài người cảm thấy khó khăn khi đến thăm người bệnh ung thư, đặc biệt là thăm những người bệnh ốm yếu và suy kiệt. Ngoại hình của người bệnh bị thay đổi và trở nên tiều tụy hốc hác có thể khiến người đến thăm sốc và rất đau buồn. Đôi khi, việc nhìn thấy người thân yêu của mình nằm trên giường bệnh với đủ loại thiết bị y tế quanh người cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu đựng.

Trò chuyện với người bệnh ung thư - 2

Hãy nhớ rằng dù có thay đổi ra sao thì người bệnh vẫn luôn là người thân của bạn. Họ vẫn là người mà bạn đã biết, đã thân thuộc từ xưa. Hãy cố gắng suy nghĩ về họ, gắn kết họ với những hình ảnh và tình cảm bạn dành cho họ trước đây. Việc bạn đến thăm người bệnh có thể mang đến niềm vui, sự an ủi cho người bệnh và là việc làm rất đáng trân trọng. Có những khi, sẽ khó diễn tả bằng lời nói nhưng một ánh nhìn trìu mến hay một cái nắm tay dịu dàng còn mang tới cho người bệnh tình cảm và sự quan tâm nhiều hơn bất cứ ngôn từ nào.

Nếu bạn không thể kìm nén nước mắt thì cũng là điều hoàn toàn tự nhiên. Hãy giải thích cho người bệnh rằng bạn quan tâm và lo lắng cho họ nhiều thế nào khi thấy những đau đớn và khó khăn mà họ đang phải trải qua. Đừng ngại thể hiện cảm xúc của mình nhưng hãy cố gắng tiết chế để người bệnh không phải an ủi lại bạn – điều đó có thể là vượt quá khả năng và sức chịu đựng của người bệnh. Bạn có thể cần rút ngắn chuyến thăm của mình lại nếu bạn không thể kiểm soát cảm xúc và nước mắt của mình.Trò

Hãy nhớ rằng dù thay đổi ra sao thì người bệnh đã đang và sẽ luôn là người thân của bạn, người mà bạn đã biết, đã yêu quý và thân thuộc từ trước tới nay.