1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Triển vọng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực y tế

(Dân trí) - Nhằm triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác y tế được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ sang Việt Nam vào tháng 9/2016, Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức cuộc Tọa đàm Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực y tế vào chiều tối ngày 18/1 vừa qua.


Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ - Ông Preeti

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ - Ông Preeti

Tại buổi tọa đàm, ông Parvathaneni Harish - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Việt Nam, các biên bản ghi nhớ đã được ký kết. Theo đó, sẽ có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ bao gồm công nghệ thông tin, dân số và kế hoạch hóa gia đình, dược phẩm, y tế, đào tạo; các loại thuốc truyền thống và hợp tác trong cây thuốc.

Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, phía Ấn Độ đã thành lập một nhóm công tác để thực hiện các biên bản ghi nhớ trên. Tọa đàm này là mở đầu cho hoạt động phối hợp cùng Bộ Y tế thực thi các biên bản ghi nhớ này.


TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: T.P)

TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: T.P)

Về phía đại diện Bộ Y tế, TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết phía Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho các công ty dược đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn và khuyến khích việc sản xuất thuốc ngoại tại Việt Nam (sẽ được ưu tiên trong đấu thầu).

Thứ trưởng đã chia sẻ những khác biệt trong Luật Dược của Việt Nam: Đó là dù thuốc đã có 5 năm bán trên thị trường thì khi vào Việt Nam, mọi loại thuốc đều phải thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là vắc xin.

TS Trương Quốc Cường cũng thông báo về chương trình đấu thầu vắc xin 5 trong 1 vào tháng 2/2017. Trước đã có doanh nghiệp dược Ấn Độ tham gia và thành công.

Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp dược Ấn Độ xoay quanh việc xin visa, các vấn đề kiểm tra giám sát chất lượng dược phẩm cũng như các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế.

Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Parvathaneni Harish - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, đã ngỏ lời mời Bộ Y tế sang thăm quan các nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Ấn Độ.

Ngành dược Ấn Độ vào Việt Nam từ năm 1990 và đến nay là nhà nhập khẩu dược phẩm và nguyên liệu dược lớn thứ 2 tại Việt Nam về lượng hàng nhập khẩu với tổng số gần 4.300 visa, chiếm 26% số visa cấp cho các công ty nước ngoài.

Thị trường chăm sóc sức khỏe Ấn Độ tổng trị giá khoảng 100 tỷ đô la Mỹ và dự kiến ​​sẽ tăng lên 280 tỷ đô vào năm 2020.

Nhân Hà