1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Trên 70% phụ nữ mắc các bệnh về đường sinh dục

GS.TS Nguyễn Vượng, Giám đốc Trung tâm Giải phẫu Bệnh - Tế bào Bệnh học (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, trên 70% số phụ nữ đi khám bị mắc các bệnh viêm đường sinh dục.

Cùng tập thể nhóm nghiên cứu, ông Vượng khảo sát gần 80.000 phụ nữ ở hơn 300 cộng đồng trên ba miền đất nước theo phương pháp chẩn đoán tế bào học. Kết quả cho thấy, 70 - 90% phụ nữ bề ngoài bình thường mắc các bệnh viêm đường sinh dục, chủ yếu ở cổ tử cung - âm đạo.

 

Xin GS cho biết cụ thể hơn về hoạt động khảo sát các bệnh viêm đường sinh dục nữ tại cộng đồng?

 

Chúng tôi bắt đầu công việc này sau khi có sách hướng dẫn về chẩn đoán tế bào học phụ khoa của Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 1988, tôi dịch cuốn sách này ra tiếng Việt.

 

Chúng tôi tổ chức tập huấn nội bộ, chuẩn bị phương tiện. Đối tượng dự định khảo sát là phụ nữ ở các phường, xã, nữ cán bộ, công nhân viên chức ở các cơ quan, xí nghiệp, trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

 

Bắt đầu từ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (nơi tôi ở), rút kinh nghiệm, triển khai dần ra các tỉnh miền Bắc, rồi miền Trung, miền Nam luôn kết hợp với các nghiên cứu sinh, học viên cao học và có sự phối hợp của các chuyên gia về sản phụ khoa.

 

Để tránh viêm đường sinh dục nữ, chị em nên có thói quen vệ sinh như thế nào?

 

Rất đơn giản. Cả chị em lẫn chồng (nếu có) chỉ cần xát xà phòng bên ngoài cơ quan sinh dục với nữ và cả nếp bao quy đầu với nam, rửa sạch bằng nước sạch, tiệt trùng.

 

Nếu không có nước sạch, cần một gáo nước đun sôi để nguội, về mùa đông nên dùng nước ấm dội từ từ để sạch bọt xà phòng.

 

Thường trong vòng hai phút hầu hết các vi khuẩn gây bệnh đều chết. Nếu có điều kiện, lau khô bằng khăn sạch hoặc thấm qua giấy sạch.

 

Không nên dùng nước muối ít tác dụng. Dùng nước trầu không vừa tốn kém lại vừa không thích hợp đối với vùng cơ thể này. Nên vệ sinh như thế hai lần một ngày, buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

 

Ngoài ra, cũng nên vệ sinh thêm một lần nữa như vậy sau mỗi lần vợ chồng gần gũi nhau.

Chính vì thế, tập thể nhóm nghiên cứu mới đạt được con số gần 80.000 người và tỷ lệ phát hiện các loại viêm từ 70 - 90% số người đến khám; 1/3 số người viêm nhẹ; 1/3 bị viêm vừa và 1/3 viêm nặng.

 

Vì sao tỷ lệ viêm đường sinh dục nữ ở nước ta lại cao đến thế? Tại các nước phát triển, tỷ lệ này là bao nhiêu?

 

Tại các nước phát triển, tỷ lệ này thường xung quanh 10%. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ này cao do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do thiếu hiểu biết về vệ sinh sinh dục và vệ sinh tình dục cũng như môi trường nóng, ẩm, dễ ô nhiễm.

 

Tỷ lệ này có chênh lệch giữa nông thôn và thành thị?

 

Sự chênh lệch là không đáng kể. Không phải có kinh tế, nhà cao cửa rộng, vòi hoa sen, bồn tắm đàng hoàng là không bị viêm. Mặt khác, đồng tiền cũng là một tác nhân vận chuyển vi khuẩn (chúng tôi đã có xét nghiệm vi sinh xác nhận) và các bà nội trợ đi chợ nhiều, hẳn thấy tiền bị bôi bẩn thế nào.

 

Các đức ông chồng có trách nhiệm gì trong viêm đường sinh dục của bà vợ không?

 

Lẽ đương nhiên là có. Nam giới không vệ sinh chỗ kín khi quan hệ chăn gối, những bệnh của chồng lây sang vợ. Chính sự thỏa hiệp này là nguyên nhân của 50% các bệnh viêm đường sinh dục nữ.

 

Những bệnh này, về lâu dài, có thể là tác nhân gây ung thư cổ tử cung. Vì vậy, các chị cũng cần tự bảo vệ, kiên quyết từ chối mọi quan hệ tình dục không có vệ sinh cơ quan sinh dục trước đó.

 

Làm thế nào để chị em phụ nữ có thể nhận biết những dấu hiệu viêm đường sinh dục?

 

Thường chỉ khi viêm nặng, bệnh nhân mới ra khí hư hôi và hay ngứa âm hộ, lâm râm đau bụng dưới nhưng vẫn chịu đựng cho qua. Các trường hợp viêm nhẹ, chỉ cần giữ vệ sinh sinh dục, vệ sinh tình dục, sau một thời gian bệnh sẽ tự khỏi.

 

Điều trị thế nào phải do thầy thuốc chỉ định và tuân thủ nghiêm ngặt từ cách đặt thuốc đến kiêng giao hợp trong thời gian điều trị.

 

Đối với viêm đặc hiệu (tỷ lệ 10% các loại viêm đường sinh dục nữ ở Việt Nam) nhất thiết phải do thầy thuốc chuyên khoa điều trị.

 

Như vậy, trên thực tế, 2/3 số phụ nữ Việt Nam bị viêm đường sinh dục không có biểu hiện triệu chứng cảm nhận được hoặc gây khó chịu. Chưa kể các dạng ung thư mới của cổ tử cung cũng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

 

Vì vậy, nên đi khám định kỳ một năm, ba năm hoặc nếu điều kiện kinh tế không cho phép thì 5 năm.

Theo Gia đình & Xã hội