1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ tự kỷ là một món quà được gói kín của tạo hóa

(Dân trí) - Chị Trần Thanh Hương, một bà mẹ có hai con trai cùng bị tự kỷ đã từng bước đưa các con hòa nhập cuộc sống bằng việc chính mình trở thành chuyên gia tâm lý của con.

Chị Trần Thanh Hương là người Canada gốc Việt, có 2 con trai là Jordan (7 tuổi) và Jason (5 tuổi), cả hai cháu bé đều phát hiện tự kỷ từ sớm. Một năm qua, gia đình chị đã chuyển về Việt Nam sinh sống để thuận tiện cho việc điều trị của hai bé.

Chị Hương nhớ lại: “Jordan được phát hiện tự kỷ vào năm 3 tuổi. Biểu hiện của bé là cứ xếp hình khối thành một dãy dài, phá đi rồi xếp lại y như cũ, xếp xong lại phá. Bé cứ im lặng ngồi chơi một mình như thế và còn nhiều hành động khó hiểu khác. Bác sĩ gia đình khuyên tôi đưa Jordan đến gặp chuyên gia tâm lý và họ kết luận con tôi bị tự kỷ.

Ban đầu, tôi thật sự bị sốc. Tôi đã lảng tránh con để khỏi nhìn thấy những việc con làm trái ý mình. Tôi tìm đọc các tài liệu trên mạng nhưng những bài viết đó chỉ cho biết tự kỷ là thế nào chứ không hướng dẫn tôi cần phải làm gì”.
 
Chị Trần Thanh Hương và 2 con trai Jordan và Jason (phải) - (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Trần Thanh Hương và 2 con trai Jordan và Jason (phải) - (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Hương gửi con vào trường học hòa nhập (học cùng với trẻ bình thường) nhưng cô giáo đông học sinh, không thể dành nhiều thời gian cho Jordan. Rồi chị tìm được một khóa học dành cho cha mẹ có con tự kỷ ở Mỹ, cả hai vợ chồng cùng đăng ký học. Về nhà thử áp dụng với con, chị vui mừng khôn xiết vì đã tìm ra lối đi đúng. Chị Hương nhớ như in câu đầu tiên Jordan nói với chị: “Open door” khi bé muốn ra ngoài chơi.

Bác sĩ gia đình khuyên chị nên kiểm tra cả bé Jason. Chị vô cùng ngạc nhiên trước kết quả Jason cũng bị tự kỷ như anh trai mình. Tuy nhiên, lần này chị bình tĩnh hơn vì đã có kinh nghiệm với con đầu lòng.

Cả hai vợ chồng đều cắt giảm công việc để ở nhà trị liệu cho con. Cần có thêm nhiều người tham gia công việc “trường kỳ kháng chiến” này, vì vậy, anh chị quyết định chuyển về Việt Nam định cư để có họ hàng phụ giúp.
 
Trong ngôi nhà trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TPHCM), anh chị dành 2 phòng để các con chơi đùa. Tuy sống chung nhà nhưng Jordan và Jason không để ý đến nhau, đồng thời mỗi bé có sở thích riêng nên 2 căn phòng được bố trí những món đồ chơi khác biệt. Mỗi ngày, hai vợ chồng và người thân chia thời khóa biểu vào chơi cùng hai trẻ.
 
Chị Hương chia sẻ: “Nếu đưa bé đến lớp theo mô hình một cô kèm một bé thì bé chỉ học được 1 tiếng đồng hồ. Còn tại nhà, bé được học 4 tiếng mỗi ngày. Thỉnh thoảng, tôi đưa con đi thảo cầm viên để bé làm quen với thế giới bên ngoài”.
 
Chị Trần Thanh Hương và 2 con trai Jordan và Jason (phải) - (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo chị Trần Thanh Hương, tự kỷ không phải là bản án suốt đời. Cha mẹ có con tự kỷ phải ngừng so sánh con mình với đứa trẻ khác mà hãy chủ động bước vào thế giới của con mình.
 
Chị Trần Thanh Hương và 2 con trai Jordan và Jason (phải) - (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Để nói thêm được một âm tiết, trẻ tự kỷ phải trị liệu hàng tháng, thậm chí cả năm. Nhờ sự bền lòng của cha mẹ, Jordan sau gần 4 năm đã nói được một câu có 7 âm tiết.

Đến nay, kết quả đạt được là Jordan có thể nói một câu 7 âm tiết: “Con muốn đi học với má mì (momy)”, và bé giao tiếp bằng mắt khá hơn, bắt đầu học chữ. Còn bé Jason cũng phát âm gần rõ chữ “ăn”, thay vì cứ kêu “a a…” như trước.

Thêm một điều đáng mừng nữa là Jordan bắt đầu chú ý đến Jason. Bắt gặp bé nhìn em trai, chị Hương liền khuyến khích: “Con đến ôm em đi”. Chị giải thích: ban đầu phải bảo với bé như vậy, sau này bé sẽ tự hành động.

Trải qua gần 4 năm đồng hành cùng hai con trai tự kỷ, cuộc sống của chị Hương đã trở nên nhẹ nhõm, bình thản. Chị muốn nói với các phụ huynh đồng cảnh ngộ: “Trẻ tự kỷ là một món quà được gói kín của tạo hóa. Bạn hãy vui vẻ đón nhận và chủ động khám phá nó. Cha mẹ là người thân cận nhất của con, vì vậy chính cha mẹ phải là người đầu tiên bước vào thế giới của trẻ tự kỷ, dần dần, mọi điều khác sẽ theo vào.”.
 
Hồng Nhung