Trẻ thấp còi do dinh dưỡng không đúng cách

(Dân trí) - Mặc dù đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên, tính đến năm 2013, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta vẫn ở mức báo động với gần 30%. Con số này khiến Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có số trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi nhiều nhất thế giới.

Trẻ được nuôi không đúng cách

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Có tới 32% sự phát triển thể lực, chiều cao của con người được quyết định bởi yếu tố dinh dưỡng. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn có không ít gia đình chưa thực hiện đúng cách chế độ dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc trẻ nhỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng thể thấp còi cao như vậy là do các bữa ăn không đầy đủ dưỡng chất, dưỡng chất không cân bằng không đạt chất lượng hoặc áp dụng chế độ ăn thiên lệch.

Thiếu nhiều vi chất, dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ như Canxi, các loại Vitamin, Kẽm, Selen và khoáng chất khác sẽ là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp, hệ thần kinh…

Hơn nữa, Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày. Khi không được vận động thường xuyên, thể lực của trẻ trở nên yếu ớt dẫn tới biếng ăn, kém ngủ, tăng cân chậm, các tế bào xương không phát triển khiến tình trạng thấp còi diễn ra nghiêm trọng hơn.

 

Để trẻ
khỏe mạnh và cao lớn

 

Để trẻ khỏe mạnh và cao lớn

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ, trước hết, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ bằng cách bổ sung đúng cách và hợp lý bữa ăn cân bằng giữa 4 nhóm, trong đó có chất đạm (chiếm 10-15% tổng năng lượng), tinh bột (chiếm 60-65% tổng năng lượng), chất béo (chiếm 10% tổng năng lượng) và vitamin, khoáng, chất xơ.

Quan trọng hơn, cha mẹ cần cải thiện tình trạng biếng ăn, kém hấp thu để cơ thể trẻ có thể tiếp cận tối đa với nguồn dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, để gia tăng chuyển hóa, tăng cường hấp thu, giúp trẻ ăn nhanh và thèm ăn tự nhiên, cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ các vi chất cần thiết như Kẽm và Selen nguồn gốc thực vật, L-Lysine và Taurin…

PGS.TS phân tích: Kẽm giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, tăng tốc độ phát triển chiều cao ở trẻ thấp còi và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Selen có chức năng tăng cường miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa, phục hồi cấu trúc di truyền và giải độc tố kim loại nặng. L-Lysine giúp hình thành và hoàn thiện hệ thần kinh, tăng cường hấp thu, giảm thải trừ canxi, giúp trẻ ăn ngon miệng, gia tăng chuyển hóa và hấp thu tối đa dưỡng chất. Còn Taurin là thành phần quan trọng trong acid mật, tăng cường chức năng tiêu hóa và hấp thu.

Ngoài ra, cha mẹ nên tập cho trẻ sở thích vận động, tập thể dục thường xuyên, chọn bài tập và cường độ tập phù hợp với từng lứa tuổi. Ví dụ: trẻ 2-5 tuổi có thể tham gia các trò chơi đơn giản như đi bộ, chạy nhảy, đạp xe….với cường độ vừa phải, mỗi ngày khoảng 15 phút. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể cho trẻ tập các môn thể thao như bơi lội, bóng rổ, nhảy dây… để phát triển thể lực và chiều cao tối đa.

Thanh Tuyền

 

 

Trẻ thấp còi do dinh dưỡng không đúng cách - 1