Trẻ nghịch đất lợi hay hại?

Đúng là nên cho trẻ tiếp xúc với môi trường để cơ thể quen với vi khuẩn, nhưng cũng là cách biến bụng trẻ thành... bụng giun.

Cháu Nguyễn Hoàng Tâm (Từ Liêm, Hà Nội) được ông bà đón về quê ở khi mẹ sinh em bé. Bà của cháu luôn quan niệm cho trẻ nghịch bẩn để thích nghi, chứ không sạch quá lại dễ ốm đau. Thế nên cháu được thả cửa chạy nhảy, nghịch ngợm lấm lem đất cát. Đang khoẻ mạnh, kháu khỉnh, cháu Tâm ngày càng gầy rộc đi, mà bụng thì cứ to đùng, lại hay kêu đau bụng. Mẹ cháu đưa đi khám mới giật mình biết con mình đầy một bụng giun.

 

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

 

Lời bàn: Đúng là khi tiếp xúc với các vi khuẩn thông thường, cơ thể coi như đã qua một bước “tập dượt” để làm quen với các vi khuẩn này và tự tạo ra các kháng thể giúp tăng cường khả năng cho hệ miễn dịch của cơ thể, chống lại sự xâm nhập của chúng. Tuy nhiên, ý thức về ranh giới sạch - bẩn trong quan điểm cho phép con chơi bẩn là rất quan trọng.

 

Không thể vì cho rằng nên để con thích nghi với môi trường mà bạn có thể cho con ngồi la lê đất cát ở bất cứ chỗ nào. Cha mẹ phải là người quyết định thời điểm, thời lượng và khoanh vùng nơi con được phép nghịch bẩn.

 

Ngoài ra, rửa tay sau khi chơi là việc làm hết sức quan trọng bởi vi khuẩn từ tay có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể qua nhiều đường khác nhau, ví dụ, trẻ cho tay vào miệng, hay dùng tay bốc đồ ăn, vô tình dụi mắt, ngoáy mũi, hoặc chỉ đơn giản là gãi ngứa, gây trầy xước da... Đối với trẻ nhỏ, khi cho trẻ chơi bẩn nhất thiết phải có sự giám sát của người lớn.

 

Theo ThS.BS Trương Ngọc Dương

Học viện Quân y