Trẻ mắc bệnh rối loạn phân ly cần những biện pháp tâm lý kịp thời

Rối loạn phân ly hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện, can thiệp sớm và không ảnh hưởng đến tư duy hay sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Nhiều học sinh tại Bắc Kạn với những biểu hiện bất thường đã được các chuyên gia khám và xác định nguyên nhân ban đầu do rối loạn phân ly.
Nhiều học sinh tại Bắc Kạn với những biểu hiện bất thường đã được các chuyên gia khám và xác định nguyên nhân ban đầu do rối loạn phân ly.

Sự việc nhiều học sinh tại điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) thường ngất đột ngột, hung dữ bất thường, nhảy nhót linh tinh và chạy thẳng lên đồi... đã được các bác sĩ bước đầu xác định do mắc rối loạn phân ly tập thể khiến nhiều người thắc mắc về căn “bệnh lạ” này.

Ths.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi và Người già, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Theo tâm thần học, rối loạn phân ly là một loại rối loạn liên quan đến stress, căng thẳng. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh giống như những cơn phân ly, có thể là cơn co giật, cơn lời nói hoặc cơn âm thanh như: Giãy giụa, la hét… nhưng không rối loạn ý thức. Khi bị stress thì thay vì tỏ ra buồn chán hay căng thẳng thì người bệnh sẽ biểu hiện bằng những cơn co giật, đó là sự chuyển đổi từ dạng căng thẳng sang dạng căng thẳng khác. Mặc dù có biểu hiện triệu chứng bệnh nhưng khi làm các xét nghiệm thì không thấy các tổn thương, chẳng hạn có cơn co giật nhưng không có tổn thương về mặt giải phẫu, sinh hóa…

Rối loạn phân ly thường gặp ở những người có đặc điểm tính cách dễ bị ám thị như: Dễ tin tưởng, nghe lời người khác, cảm xúc thay đổi thường xuyên, phô trương, lòe loẹt... Những người này nếu khả năng chống đỡ với căng thẳng không tốt thì bất cứ yếu tố nào trong đời sống cũng dễ gây ra stress đối với họ dẫn đến những cơn phân ly. Đặc biệt, những cơn phân ly thường xuất hiện sau những stress.

Theo các chuyên gia, bất cứ độ tuổi nào cũng cơ nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là trên nền tính cách, môi trường dễ có nguy cơ thì những độ tuổi chịu stress kém có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh cũng thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Theo BS. Thiện, các biểu hiện của rối loạn phân ly dễ thành dây chuyền khi những người có tính cách dễ bị ám thị ở gần nhau. Chỉ cần một người có các biểu hiện của cơn phân ly là những người khác cũng có thể bị theo như: Một người khóc thì những người kia cũng khóc, một người co giật thì những người kia nhìn thấy cũng có thể co giật theo… Tuy nhiên, nếu chỉ có một cơn phân ly thì chưa thể chẩn đoán bệnh ngay mà cần phải theo dõi các triệu chứng của bệnh nhân trong vòng từ 1- 6 tháng và tần suất diễn ra các cơn phân ly.

“Rối loạn phân ly hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện và can thiệp sớm và không ảnh hưởng đến tư duy hay sự phát triển trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, nếu để lâu, với các cơn phân ly co giật thường xuyên và kéo dài thời gian hơn sẽ có ảnh hưởng đến não. Bởi khi các cơn phân ly xuất hiện sẽ làm cho vỏ não mất ức chế, lâu dần vỏ não sẽ bị suy yếu và chức năng kiểm soát cũng kém đi”, BS. Thiện cho biết.

Trong điều trị rối loạn phân ly, cần phải tìm ra nguyên nhân gây stress để giúp người bệnh có thể biết cách thích ứng, ứng phó với các stress đó. Do vậy, biện pháp điều trị bằng tâm lý là quan trọng nhất, muốn điều trị bằng tâm lý phải cắt được cơn phân ly bằng ám thị như tạo ra niềm tin cho bệnh nhân vào người điều trị. Bên cạnh đó còn điều trị bằng phương pháp dự phòng, nâng đỡ về tính cách, rèn luyện cho bệnh nhân, tập các kỹ năng ứng xử, kỹ năng ứng xử trước các tình huống… Tất cả những tác động tâm lý đều phải hết sức thận trọng, muốn điều trị bằng tâm lý phải hiểu được các stress gây ra các cơn phân ly.

Cũng theo BS. Thiện, trong quá trình điều trị rối loạn phân ly không hoàn toàn cách ly mà phải áp dụng các biện pháp giúp bệnh nhân tăng thích ứng, biết cách ứng phó với stress. Trong môi trường gia đình, người thân phải hiểu, nâng đỡ người bệnh, tạo được môi trường trong đó bệnh nhân được tôn trọng, ghi nhận những hành động đúng, được thể hiện cá nhân của mình…

“Để giảm stress với đối tượng học sinh, nhất là với nhóm các em có tính cách nguy cơ cao như sống nội tâm, hay mặc cảm, dễ mắc rối loạn phân ly rất cần tạo môi trường mà ở đó giáo viên, nhà trường có thể hiểu được các em, quan tâm đến những biểu hiện tâm lý của các em. Có thể giúp các em được giải tỏa những lo âu, stress bằng kết hợp với các hoạt động đoàn, hội… thậm chí cần có những chuyên gia tâm lý học đường hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết”, BS. Thiện cho biết.

Theo Tạ Nguyên

TTXVN