1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, vì sao phải tiêm đại trà vaccine?

Trao đổi giữa chuyên gia với báo chí về những băn khoăn khi tiêm đại trà vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em.

Trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, vì sao phải tiêm đại trà vaccine? - 1

Phó Giáo sư Trần Minh Điển.

Sáng 30/11, tại buổi giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, PGS Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi Trung ương và bà Dương Thị Hồng - Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ đã trả lời các câu hỏi của báo chí về những băn khoăn khi tiêm đại trà vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em.

- Thưa ông, có phải là tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp hơn người lớn hay không?

PGS Trần Minh Điển: Không, nếu tiếp xúc với virus thì nguy cơ mắc bệnh như nhau nhưng tỷ lệ trẻ em mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hơn người lớn thì có.

- Tỷ lệ tử vong khi mắc Covid-19 ở trẻ em không cao, vì sao phải tiêm đại trà cho trẻ em khi vẫn còn những lo ngại về tác dụng phụ và sốc phản vệ sau tiêm?

PGS Trần Minh Điển: Có 4 lý do chính để tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Thứ nhất là để giảm ca mắc mà trở nặng, khi các em nhiễm bệnh mà bệnh nhẹ hơn thì đỡ tốn kém chi phí điều trị, giảm tải bệnh viện, giảm nguy cơ tử vong.

Thứ hai là tránh lây lan cho những người khác chưa được tiêm trong gia đình như là các em nhỏ dưới 12 tuổi, người lớn có bệnh nền không được tiêm.

Thứ ba là để các em có thể trở lại với cuộc sống bình thường, được đi học, vui chơi giải trí, không bị bó buộc trong nhà với máy tính tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhất là khi người lớn đi làm cả ngày.

Thứ tư là để đạt miễn dịch cộng đồng. Khi có bệnh dịch mới, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt mức 80-85% dân số thì mới có thể miễn dịch cộng đồng và không còn phải sợ hãi, lo lắng khi nhiễm Covid-19 nữa.

Xem xét các dữ liệu khoa học, thế giới cho rằng vaccin dùng công nghệ Mrna (Moderna, Pfizer) là an toàn và cần thiết tiêm cho trẻ khi đại dịch đang hoành hành. Tới nay đã có 40 nước tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Mỹ dùng Pfizer tiêm cho trẻ từ 5-17 tuổi. Tại Châu Âu, Moderna và Pfizer được tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Hiện giờ nhiều nước đang tiêm cho trẻ từ 2 đến 11 tuổi, một số nước đang tiếp tục nghiên cứu cho tiêm cả với trẻ mới 6 tháng tuổi.

Trong tiêm chủng mà trong y tế nói chung, biến cố, sự cố luôn luôn có thể xảy ra. Vấn đề là phải hạn chế được tỷ lệ rủi ro và phải rút kinh nghiệm qua từng sự việc.

Trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, vì sao phải tiêm đại trà vaccine? - 2

Bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

- Vì sao phải tiêm đại trà cho trẻ em khi người lớn nhiều nơi còn chưa tiêm đủ mũi 1?

Bà Dương Thị Hồng: Vừa qua, một số tỉnh còn có số người trên 18 tuổi chưa tiêm phủ mũi 1 như Thanh Hóa, Nghệ An… là do sự phân bổ. Một số vùng chưa có dịch, hoặc dịch nguy cơ không cao thì nhường cho các tỉnh ở vùng nguy cơ cao tiêm mũi 2 trước. Đến nay đã có 122 triệu mũi tiêm được triển khai, 70 triệu người đã tiêm mũi 1, 20 triệu người đã tiêm mũi 2. Như vậy là 70% dân số đã được tiêm chủng ngừa Covid-19. Vaccine đang về đúng tiến độ, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để sớm hoàn thành mũi 1 với người trên 18 tuổi. Và với tốc độ này, chúng ta có đủ vaccine để tiêm cho trẻ em đại trà và sớm đạt mốc 90% dân số được tiêm ngừa để có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

-Tại sao không tiêm cho trẻ ở bệnh viện để giảm nguy cơ tử vong do sốc phản vệ, thưa bà?

Bà Dương Thị Hồng: Với kinh nghiệm thực hiện chiến dịch tiêm chủng rất thành công thời gian qua, chúng tôi đủ tự tin để tổ chức tiêm chủng tại trường.

Trường học có đủ không gian, điều kiện để thực hiện tuần tự, kỷ luật, đảm bảo giãn cách cho các cháu đến tiêm.

Với các trường hợp qua khám sàng lọc và khai báo có bệnh nền thì sẽ được tiêm tại bệnh viện.

Hiện nay, tại các điểm tiêm chủng ở trường học đều có bố trí xe cứu thương và nhân viên y tế đều được tập huấn sơ cứu kịp thời với sốc phản vệ.

-Nhưng vừa qua vẫn có 2 trường hợp trẻ tử vong ở Bắc Giang và Hà Nội, các em này đều không có bệnh lý hay có vấn đề gì về sức khỏe, vậy có thể lý giải điều này thế nào?

PGS Trần Minh Điển: Nguyên nhân đã được chỉ ra không liên quan tới vaccine và kỹ thuật tiêm. 2 trường hợp tử vong do phản vệ độ 4. Một trường hợp ở Thường Tín (Hà Nội) do gia đình phát hiện đưa đi viện, một trường hợp ở Bắc Giang phát hiện sau khi được Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện Đa khoa tỉnh xử trí đã đưa đến Bạch Mai nhưng không qua khỏi do cơ thể phản ứng quá mức với vaccine. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu các trường hợp này để có thể rút kinh nghiệm, hạn chế các rủi ro.

- Phản ứng phụ sau tiêm với các bé trai là viêm cơ tim, vậy có cách nào để phát hiện sớm và hạn chế rủi ro không?

PGS Trần Minh Điển: Trẻ em tiêm ngừa cũng thường có các biến cố nhẹ như người lớn, đó là sốt, mệt mỏi, đau khớp, đau vết tiêm… Tuy nhiên, với trẻ em trai các nghiên cứu ghi nhận có tỷ lệ viêm cơ tim lớn hơn trẻ em gái.

Tỷ lệ thông thường là 1 trường hợp trên 1 triệu liều tiêm, với trẻ em trai tỷ lệ này là 6-10 trường hợp/1 triệu liều tiêm.

Mũi 2 có thể xảy ra nhiều hơn mũi 1, viêm cơ tim do cơ thể đáp ứng cơ chế miễn dịch.

Các biểu hiện ban đầu là men tim tăng, hồi hộp, tim đập nhanh. Với các biểu hiện này, chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, uống giảm đau, theo dõi tại nhà 7 ngày.

- Hiện nay, nhiều người lo ngại phản ứng phụ nên từ chối cho con tiêm ngừa covid-19 và cho đó là quyền của mỗi người, điều này có đúng không thưa ông?

PGS Trần Minh Điển: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, khi dịch bệnh nghiêm trọng, ở nhóm A, Chính phủ mua vaccine để tiêm chủng ngừa dịch bệnh thì người dân ở vùng dịch tễ phải tuân thủ tiêm phòng dịch.

Không tiêm là phạm luật.

Đây là trách nhiệm mà cũng là quyền lợi của các cháu. Thực tế thì ở nước ngoài cả các trường hợp bại não, tiền sử co giật… cũng được tiêm, các đối tượng có bệnh lý sẽ được tiêm ở bệnh viện. Khoa học đã chỉ ra là tiêm vaccine ngừa Covid-19 là cần thiết để vượt qua đại dịch.

- Xin cảm ơn ông, bà đã giải đáp các câu hỏi của chúng tôi.

Tính đến ngày 28/11, cả nước đã có 34/63 tỉnh thành tiêm vaccine Covid -19 cho trẻ từ 12-17 tuổi với hơn 3,5 triệu mũi tiêm.

Theo báo cáo nhanh, có 0,3 % có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là đau tại chỗ tiêm.

Có 3 trường hợp tai biến nặng và 2 trường hợp tử vong. 2 trường hợp này nguyên nhân là phản ứng phản vệ độ 4, không liên quan đến vaccine và kỹ thuật tiêm chủng.