1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 10.500 trẻ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine Pfizer

Hà An

(Dân trí) - 34 tỉnh thành đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi với hơn 3,5 triệu mũi. Trong đó có hơn 10.500 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm (chiếm 0,3%), có 3 trường hợp tai biến nặng.

Theo Bộ Y tế, trên toàn quốc đã có 34/63 tỉnh, thành triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi, với hơn 3,5 triệu mũi, trong đó tiêm mũi một là hơn 2,8 triệu liều và mũi 2 là gần 700.000 liều. Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 60% tổng số đối tượng 12 - 17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang. 

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, ghi nhận 10.573 trường hợp (chiếm 0,3%) phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong. 

Hơn 10.500 trẻ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine Pfizer - 1

Ảnh minh họa: Hải Minh.

Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên, với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 17 triệu mũi. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất. Có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được báo cáo (tỷ lệ 3,4/ một triệu vaccine liều sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ II.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11 trên toàn quốc. Dự kiến, Chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến số liều vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều. 

Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ được tiêm vaccine được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện. 

Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia kêu gọi và mong muốn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và chủ động tham gia của các bậc cha mẹ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vaccine phòng Covid-19 an toàn, đủ liều. Mỗi trẻ em 12 -17 tuổi được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, đủ liều sẽ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng vững mạnh, cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới. Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em giúp trẻ tránh mắc bệnh và lan truyền virus, đặc biệt là đối với trẻ mắc bệnh nền (béo phì, hen, đái tháo đường,…); giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này góp phần tăng diện bao phủ. 

Hầu hết các nước trên thế giới đã có chỉ định tiêm cho vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Tại Mỹ, chỉ sử dụng vaccine Pfizer tiêm chủng cho trẻ em 5-17 tuổi. Tại châu Âu, các loại vaccine được chỉ định tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi là Pfizer, Moderna. Tại Trung Quốc, trẻ 3-17 tuổi được chỉ định tiêm bằng vaccine Sinovac, vaccine này cũng được Indonesia chỉ định cho trẻ em. UAE chỉ định vaccine Sinopharm cho trẻ em.