Trẻ em “lớn sớm” cũng lo

Trẻ dậy thì sớm cần được cung cấp thông tin chính xác và đúng đắn để hiểu về sự phát triển bản thân cũng như các nguy cơ đối với sức khỏe.

Nếu theo sách vở, thời kỳ dậy thì thường xuất hiện ở độ tuổi 11-13 (bé gái) hay 13-15 (bé trai) thì trong thực tế hiện nay, nhiều cô cậu học trò đã bắt đầu có những dấu hiệu “người lớn” từ khi còn học tiểu học, đặc biệt là tại các TP lớn.

Chú ý mốc 8 tuổi

Câu hỏi “Tại sao trẻ con ngày nay “mau lớn” hơn chúng ta trước đây?” đã nhận được nhiều lời bàn luận trên một diễn đàn dành cho phụ nữ. Có bà mẹ cho rằng điều đó là bình thường bởi thời nay, trẻ có đủ mọi điều kiện để khôn sớm nên cơ thể cũng phát triển theo. Ngược lại, cũng có nhiều ông bố, bà mẹ tỏ ra lo lắng khi con hay bị bạn bè trêu chọc, như những bé gái phát triển ngực quá sớm hay bé trai chưa gì đã lún phún râu.

Theo bác sĩ (BS) Vũ Xuân Thọ - Trưởng Khoa Hậu phẫu Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), một chuyên gia về phụ khoa - y học xác định trẻ dậy thì sớm khi cơ thể xuất hiện những đặc điểm sinh dục thứ phát trước 8 tuổi: bé gái có kinh nguyệt, tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu; bé trai vỡ tiếng, cao vọt, bộ phận sinh dục phát triển...

Dậy thì cũng có thật và giả. Dậy thì thật phụ thuộc vào gonadotropin (một loại hoóc môn sinh dục), nghĩa là thần kinh trẻ “thức tỉnh” sớm, vùng hạ đồi bị tác động dẫn đến sự kích thích ở thùy trước tuyến yên, tiết ra FSH và LH, từ đó kích thích buồng trứng và tinh hoàn sản sinh ra estrogen (ở nữ) và testosterone (ở nam), quy định đặc tính sinh dục thứ phát. Nguyên nhân của trường hợp này có thể do các tác nhân từ môi trường sống.

Trong khi đó, dậy thì giả (dậy thì ngoại biên, không phụ thuộc gonadotropin) có thể do tác động của các khối u buồng trứng, tinh hoàn, u tuyến thượng thận... làm tiết ra estrogen và testosterone, gây ra hiện tượng hệ thần kinh trung ương vẫn còn “ngủ” nhưng ngoại vi thì đã “thức”.


Trẻ tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng nhân tạo có thể dẫn đến tình trạng dậy thì sớm Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trẻ tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng nhân tạo có thể dẫn đến tình trạng dậy thì sớm Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Can thiệp tùy theo tuổi

Với nhóm trẻ dậy thì ở tuổi dưới 8, các BS khuyên nhất thiết phải cần đến sự can thiệp y khoa. Địa chỉ nên đến là các bệnh viện phụ sản như Từ Dũ, Hùng Vương... hay khoa nội tiết của các bệnh viện nhi như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2... Các BS sẽ xác định nguyên nhân và can thiệp bằng biện pháp phù hợp.

“Dậy thì sớm làm ngưng quá trình tăng chiều cao do kích thích sự hàn sụn tiếp hợp, làm xáo trộn tâm lý trẻ bởi những thay đổi sinh lý không phù hợp với tâm hồn non nớt. Nguy hiểm nhất là các bé có thể là nạn nhân của sự xâm hại tình dục mà không đủ khả năng tự vệ. Dậy thì sớm không thể tự điều trị nên cha mẹ nên sớm đưa con tới bệnh viện” - BS Thọ khuyên.

Đối với nhóm trẻ dậy thì “hơi sớm”, như 8-9 tuổi, vai trò của cha mẹ cũng hết sức quan trọng vì tâm hồn và các kỹ năng của trẻ còn rất non nớt. Theo BS Vưu Tiểu Hà, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, trẻ em và trẻ vị thành niên cần được tạo cho một môi trường sống an toàn, lành mạnh, có mối quan hệ tốt đẹp, gần gũi với gia đình, người lớn và bạn cùng trang lứa.

Trẻ dậy thì sớm cần được cung cấp thông tin chính xác và đúng đắn để hiểu về sự phát triển bản thân cũng như các nguy cơ đối với sức khỏe; được tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ thân thiện, kín đáo như tư vấn về sức khỏe sinh sản - sức khỏe tình dục, các dịch vụ y tế hỗ trợ. Lý tưởng nhất là cha mẹ nên trò chuyện với con như những người bạn để truyền đạt kiến thức. Ngoài ra, có thể giáo dục, hướng dẫn trẻ thông qua sách báo, phim ảnh, truyện hoặc tạo điều kiện cho trẻ tham gia các lớp kỹ năng.

Trong trường hợp trẻ gặp các bất ổn tinh thần vì bị chọc ghẹo, bối rối do sự thay đổi sớm của cơ thể, mắc các bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản, có dấu hiệu bị lạm dụng hay nặng nề hơn là mang thai ngoài ý muốn... thì sự hỗ trợ y tế là điều cần thiết. Riêng trường hợp trẻ gái mang thai ngoài ý muốn, BS khuyến cáo phụ huynh nên đưa con em đến các bệnh viện, trung tâm y tế lớn có uy tín bởi sinh đẻ hay đình chỉ thai kỳ trong độ tuổi quá nhỏ (dưới 18) thường có những nguy cơ khó lường.

Các yếu tố tác động

Theo BS Vũ Xuân Thọ, cuộc sống hiện đại chứa đựng những yếu tố có thể khiến trẻ dậy thì sớm. Các loại thực phẩm có chứa chất tăng trưởng, tăng trọng; các nguồn ánh sáng nhân tạo từ tivi, máy vi tính, đặc biệt là màn hình tinh thể lỏng; các nội dung, phim ảnh “người lớn” kích thích hệ thần kinh trung ương… đều có thể tác động dẫn đến hiện tượng “lớn nhanh” này.

Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn là bé trai. Trẻ em ở những vùng gần xích đạo, đồng bằng, thành thị cũng thường dậy thì sớm hơn trẻ cùng lứa ở các vùng miền khác.

Theo Anh Thư

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm